Dựa trên một báo cáo của văn phòng phụ trách việc làm tại nước ngoài ở Nepal, báo The Guardian thuật lại rằng đã có 157 công nhân người Nepal tử vong trên các công trường xây dựng tại Qatar vào khoảng tháng 1 đến giữa tháng 11-2014. 75 trong số ca tử vong này là do gặp vấn đề về tim mạch và 34 ca khác là do tai nạn lao động. Cũng theo báo này, trong cùng khoảng thời gian như trên vào năm 2013, cũng đã có 168 công nhân người Nepal thiệt mạng trên các công trường World Cup 2022.
Những con số thống kê trên chỉ nói đến đội ngũ công nhân người Nepal vì họ là thành phần lao động chính do nước chủ nhà Qatar tuyển dụng. Bên cạnh đó còn có các công nhân đến từ Ấn Độ và Sri Lanka. Vào tháng 2 năm nay, giới chức ngoại giao Ấn Độ khẳng định đã có 450 công dân nước này chết tại các công trường World Cup Qatar trong khoảng tháng 1-2012 đến tháng 12-2013.
Những con số đáng lo ngại này đã khiến FIFA cảnh báo nước chủ nhà Qatar phải nhanh chóng đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ công nhân khi thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng cho World Cup 2022. Qatar cũng đã hứa xem xét cải thiện tình hình.
Trong một thông báo đưa ra vào tháng 11 vừa qua, bộ trưởng Lao động Qatar đã bảo đảm rằng các biện pháp mới bảo đảm an toàn cho người lao động đã được duyệt, song cần phải có thêm một khoảng thời gian nữa để đưa ra áp dụng, ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng những người giúp chúng tôi xây dựng đất nước đều sẽ được trả lương xứng đáng, được đối xử nhân văn và được bảo vệ không bị bóc lột. Chúng tôi cho rằng còn nhiều việc phải làm nhưng cũng như tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chúng ta không thể có được mọi thay đổi chỉ trong một đêm”.
Song trong cùng thời gian này, tổ chức nhân đạo mang tên Anesty International cũng đã “lấy làm tiếc” vì những cải tổ như đã được hứa diễn ra quá chậm chạp. Và cũng theo Liên hiệp Nghiệp đoàn Thế giới (ITUC), sẽ có không dưới 4.000 công nhân lao động nước ngoài tử vong tại Qatar từ đây đến năm 2022.
TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Figaro)