Đại tá Vũ Văn Bổn – Trưởng phòng pháp chế điều tra-xử lý về cháy, nổ (Cảnh sát PC&CC TP.HCM) chất vấn lãnh đạo, nhân viên công ty TNHH SX Hiệp Phước Thành (xã Long Thới, huyện Nhà Bè) chiều 16-12 trong buổi làm việc với Đoàn Cảnh sát PCCC TP.HCM về nguyên nhân vụ cháy của cơ sở này xảy ra hôm 10-10.
Buổi làm việc nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng PCCC tại khu công nghiệp Hiệp Phước cũng như công ty Hiệp Phước Thành. Tuy nhiên, giám đốc cơ sở lại không có mặt.
Vụ cháy công ty Hiệp Phước Thành ngày 10-10
Theo hồ sơ, vụ cháy xảy ra vào lúc 2h 20 phút ngày 10-10. Trong quá trình đi tuần tra, đến đầu cầu thang lầu 1, anh Nguyễn Văn Thu là bảo vệ của công ty hốt hoảng khi phát hiện đám cháy bùng phát lớn ở dây chuyền II.2.
Ngay lập tức, anh Thu vội chạy đến tụ điện tổng cúp automat, đồng thời qua xưởng III hô hoán người đến giúp đỡ, hỗ trợ dập lửa. Mọi người tá hỏa cùng nổ bơm chữa cháy, đứng dưới sân liên tục dùng vòi nước chữa cháy xịt lên lầu. Ít phút sau, lực lượng chữa cháy của khu công nghiệp Hiệp Phước điều 2 xe chữa cháy đến hiện trường cứu chữa. Lực lượng chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC huyện Nhà Bè cũng xuất hai xe hỗ trợ liền ngay sau đó.
Đến 3h20 phút đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn vào 3h50 phút cùng ngày. Do là ngày nghỉ nên may mắn, vụ cháy không có thiệt hại về người. Riêng tổng thiệt hại về tài sản là hơn 1,6 tỷ đồng.
Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế, điều tra xử lý về cháy nổ cho biết nguyên nhân vụ cháy là do chạm chập điện. Cụ thể là chạm chập điện tại vị trí đấu nối giữa dây dẫn với thanh điện trở của bồn xi mạ crom gây cháy các kết cấu bằng nhựa. Sau đó gây cháy lớn và lan ra các khu vực xung quanh.
Cũng trong buổi làm việc, nhân viên PCCC của khu công nghiệp xác nhận mới cách đó khoảng tuần, cơ sở này lại tiếp tục xảy ra một vụ cháy nữa, nhưng may mắn bảo vệ và nhân viên phát hiện, dập tắt kịp thời.
Buổi làm việc giữa Đoàn Cảnh sát PCCC Tp.HCM với đại diện công ty Hiệp Phước Thành. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Cháy nổ không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của anh chị mà còn liên quan đến tính mạng của hàng trăm công nhân đang làm việc, những cơ sở, hộ dân sống xung quanh… Cháy xong rồi mà không cẩn thận, thiếu ý thức sẽ còn cháy lại, không phải cháy xong là xong đâu”, Đại tá Vũ Văn Bổn khẳng định.
“Phun nước chữa cháy là phải phun vào gốc lửa, là phun vào chất cháy đang cháy, anh phun trên ngọn lửa là không được. Cái quan trọng là lực lượng chữa cháy tại chỗ khi mới phát hiện có cháy thì chữa cháy mới có hiệu quả. Khi có cháy xảy ra phải gọi ngay 114 đồng thời báo cho mọi người biết, sử dụng phương tiện tại chỗ dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu. Việc loay quay chữa cháy không được mới gọi cho chúng tôi là rất nguy hiểm. Một bộ phận không nhỏ người dân có tư tưởng: báo cho lực lượng chữa cháy sẽ bị gây khó khăn, phiền hà, hiểu vậy là sai. Chúng tôi đến nơi, thấy đám cháy đã được lực lượng chữa cháy tại chỗ dập tắt thì đó là niềm vui, hạnh phúc vô cùng vì phong trào toàn dân phòng cháy đã có hiệu quả thiết thực. Đâu phải cháy xảy ra là phạt, phải làm theo quy định pháp luật, cháy đâu ai muốn xảy ra!”, ông Bổn nhấn mạnh. |