Muốn nghỉ việc phải bồi hoàn chi phí đào tạo
Theo hồ sơ, ông Chiến được công ty cho đi học lái máy bay với chi phí tự bỏ ra. Tháng 2-2007, học xong, ông Chiến ký được ký hợp đồng không xác định thời hạn, được bố trí làm cơ trưởng với mức lương gần 92 triệu đồng/tháng. Công ty cũng đã hoàn lại tiền học sau đó.
Ngày 17-9-2012, ông xin thôi việc. Công ty yêu cầu ông muốn nghỉ thì phải hoàn lại phí đào tạo. Ông Chiến không đồng ý và xin nghỉ theo chế độ bay của phi công từ 2-10-2012 đến 16-10-2012 để giải quyết việc riêng ở Mỹ.
Công ty đã đề nghị ông Chiến tạm thời rút đơn xin nghỉ, khi ông về nước sẽ giải quyết tiếp. Ông có gửi email thông báo cho trưởng phòng nhân sự biết “tạm thời rút đơn xin thôi việc lúc này, nghỉ phép xong sẽ có thông báo chính thức”. Tuy nhiên, giải quyết xong việc riêng, ngày 22-10, ông gửi đơn thông báo chấm dứt hợp đồng, xác định ngày chính thức nghỉ là 30-11. Ngay ngày hôm sau, trưởng phòng nhân sự đã ký đồng ý vào thông báo. Vào ngày 30-11, ông vẫn đi bay bình thường theo lịch, sau đó nghỉ chờ giải quyết chế độ.
Cho rằng ông Chiến vi phạm thời hạn báo trước, tự ý nghỉ nên công ty không trả trợ cấp thôi việc.
Tháng 1-2013, ông Chiến khiếu nại ra Phòng lao động quận. Quá trình hòa giải tranh chấp, công ty chỉ chấp nhận trả trợ cấp thôi việc với điều kiện ông phải bồi thường phí đào tạo. Hòa giải bất thành.
Đi kiện công ty mới hay công ty đã kiện mình
Ông Chiến nộp đơn kiện ra TAND quận Tân Bình yêu cầu công ty trả trợ cấp thôi việc và ra quyết định chấp thuận cho ông nghỉ làm để ông xin việc nơi khác.
Tại đây, mới hay tòa Tân Bình cũng đã nhận đơn của công ty Jetstar kiện đòi lại ông Chiến bồi hoàn gần 1,2 tỉ đồng chi phí đào tạo. Ông Chiến đã phản tố đòi hơn 700 triệu đồng trợ cấp thôi việc và gần 400 triệu đồng tiền phép năm những ngày phép chưa được nghỉ.
Tòa sơ thẩm TAND quận Tân Bình trong phiên xét xử đã cho rằng ông Chiến vi phạm thời hạn báo trước, tức đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, do đó, tòa buộc ông Chiến phải hoàn trả cho công ty Jetstar gần 1,2 tỉ đồng phí đào tạo. Tòa cũng buộc công ty Jetstar phải trả lại cho ông Chiến gần 46 triệu đồng tiền những ngày phép năm 2012 mà ông Chiến chưa nghỉ.
Cơ trưởng Nguyễn Hồng Chiến
Tại tòa phúc thẩm hôm nay (12-6), ông Chiến trình bày: “Công ty không xếp lịch bay cho tôi từ tháng 12-2012 có nghĩa công ty đã chấp nhận đơn xin nghỉ. Tôi chỉ nộp một đơn xin nghỉ việc duy nhất ghi ngày 17-9, mà tính từ ngày nộp đến ngày nghỉ thì dư thời hạn phải báo trước.
Email thông báo “sẽ tạm thời rút đơn xin thôi việc lúc này, sau khi nghỉ phép xong sẽ có thông báo chính thức” có nghĩa tôi chưa chính thức từ bỏ hoặc rút đơn xin nghỉ nên sẽ không xem thời gian tôi nghỉ là thời gian thông báo trước”.
Trong khi đó, công ty lại cho rằng: “Tổng giám đốc chưa có quyết định nào chấp thuận đơn của ông Chiến. Căn cứ vào thông báo nghỉ theo nguyện vọng của ông thì ngày ông chính thức nộp đơn nghỉ việc là 22-10. Đến ngày ông 30-11 ông chính thức nghỉ, tức là ông còn thiếu 16 ngày nữa mới đủ 45 ngày báo trước theo quy định”.
Ông Chiến đề nghị hủy án vì tòa sơ thẩm đã không triệu tập bộ phận xếp lịch bay để làm rõ nội dung không xếp lịch bay là nguyên nhân ông Chiến chính thức nghỉ việc ngày 30-11-2012 hay ông Chiến tự nghỉ…
Đại diện công ty Jetstar cũng vẫn không đồng ý bồi thường phần phép năm như tòa sơ thẩm đã tuyên.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, tòa quyết đến sáng 19-6, đại diện VKSND TP.HCM sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, sau đó tòa sẽ nghị án và tuyên án.
Tạm là chỉ trong thời gian ngắn và sẽ còn thay đổi Theo khoản 3 Điều 37 BLLĐ năm 1994, NLĐ làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày. Thực tế, ngày 17-9-2012, ông Chiến có đơn thôi việc nêu rõ xin nghỉ sau 45 ngày kể từ ngày này. Đến ngày 1-10-2012, ông Chiến gửi email cho biết sẽ tạm thời rút đơn. Trong Tiếng Việt, TẠM là chỉ trong thời gian ngắn và sẽ còn thay đổi. Tham khảo thêm Điều 190 Bộ luật TTDS 2004 thì hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là tòa không xoá tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó. Còn Điều 191 bộ luật này thì tòa tiếp tục giải quyết vụ án dân sự bị tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn. Theo Điều 40 BLLĐ: Mỗi bên có thể từ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước. Khi hết thời hạn báo trước, mỗi bên đều có quyền chấm dứt HĐLĐ. Như vậy, với ý chí và ý nghĩa từ TẠM thì ông Chiến chưa chính thức từ bỏ hay rút đơn xin nghỉ bởi ông chỉ tạm rút đơn để giải quyết việc riêng, khi lý do công việc đã chấm dứt thì ông tiếp tục thực hiện nghĩa vụ báo trước. Ngày 22-10-2012, ông Chiến có đơn tiếp tục xin thôi việc theo nội dung đơn ngày 17-9. Do đó đơn ngày 17-9 vẫn tiếp tục có giá trị thực hiện và thời hạn báo trước vẫn được tính từ thời điểm 17-9-2012. Như vậy, 22 ngày này (từ 1-10-2012 đến 22-10-2012) là khoảng thời gian chưa chính thức từ bỏ hoặc rút đơn xin nghỉ nên sẽ không xem là thời gian thông báo trước. Do đó, theo tôi ông Chiến đã không vi phạm thời hạn báo trước khi nghỉ việc. Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
PHƯƠNG LOAN