Chiều 13-9, Bộ Công thương tổ chức diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề Tăng cường kết nối với các Tập đoàn Công nghiệp và Năng lượng Hoa Kỳ.
Để trở thành nhà cung cấp cho ngành hàng không
Tại diễn đàn Tập đoàn Boeing đã chia sẻ về định hướng phát triển chuỗi cung ứng ngành hàng không vũ trụ tại Việt Nam, tiêu chuẩn đối với các nhà cung ứng Việt Nam.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, VASI với hơn 300 thành viên, các doanh nghiệp (DN) Việt đang cung cấp linh kiện cho ngành ô tô, xe máy, điện tử…cho Honda, Toyota THACO, Vinfast, Samsung, Panasonic…
Đối với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ nói chung và Boeing nói riêng là cao cấp là khá xa vời với DN Việt.
“Mặc dù DN Việt làm linh kiện rời cho ô tô, thậm chí ô tô điện, nhưng để làm được những cụm nhóm linh kiện rời khu vực kết cấu rất cần sự hỗ trợ của Boeing lẫn cơ quan chức năng của Việt Nam”-bà Bình nói.
Ông Maxime Dourdan, Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á Tập đoàn Boeing cho biết, ngành công nghiệp hàng không với những công nghệ sản xuất phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không thể ngay lập tức có thể tìm được các nhà cung cấp.
Vì vậy, lộ trình của Boeing bắt đầu tìm NCC cấp 3, cấp 4 từ từ nâng cấp năng lực của DN Việt để có thể cung cấp cho Boeing những sản phẩm phụ trợ trọng yếu hơn và dần dần trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2…
“Chúng tôi nhận biết thị trường Việt Nam tiềm năng và rất quan tâm tìm kiếm các ứng viên tiếp theo từ thị trường này”- ông Dourdan nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng Tập đoàn Boeing. ẢNH: TÚ UYÊN |
Boeing sẽ đào tạo nâng năng lực cho DN Việt
Bà Bình cho rằng Boeing đã chia sẻ hiện nay có sẵn hàng ngàn supplier (NCC) cung ứng trên toàn cầu cũng là cơ hội cho DN Việt.
Theo bà Bình, Việt Nam đang xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế về giá thành, chất lượng so với Trung Quốc.
Đơn cử, Việt Nam xuất khẩu dây điện tốt trên toàn cầu và là một trong những nhà cung cấp dây điện lớn vào Hoa Kỳ. Đây là sản phẩm kết hợp giữa sản xuất bằng máy móc và con người.
"May là những sản phẩm của Boeing không phải sản xuất hàng loạt như ngành công nghiệp tiêu dùng hàng bình thường mà đòi hỏi chất lượng cao hơn. Chúng tôi hy vọng có cơ hội”-bà Bình nói.
Bên cạnh đó, bà Bình chia sẻ, một số quốc gia xung quanh như Ấn Độ, Malaysia đã tập trung chiến lược phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ cách đây vài chục năm so với Việt Nam.
“DN chúng tôi bảo nhau Boeing sắp bán máy bay cho các các hãng hàng không Việt Nam, liệu DN Việt có cơ hội làm linh kiện cho những máy bay đó hay không. Sau này các hãng hàng không khác của Việt Nam mua thêm máy bay của Boeing, liệu tập đoàn sẽ có ưu tiên các supplier Việt Nam. Tất nhiên các tiêu chuẩn Boeing phải giống nhau và DN Việt Nam phải đáp ứng được”-bà Bình chia sẻ.
Theo bà Bình, quan trọng nhất nếu Boieng thật sự muốn tìm nhà cung cấp Việt Nam thì DN Việt sẵn sàng bởi thực tế DN Việt đã cung cấp linh kiện cho các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới, nếu cố gắng thêm một chút sẽ đáp ứng được nhu cầu của Boeing.
Trao đổi về những chia sẻ này, ông Maxime Dourdan cho biết, để phát triển chuỗi cung ứng của Boeing tại thị trường Việt Nam đều có những chiến lược, những giải pháp khác nhau.
Theo đó, Boeing thành lập một nhóm chuyên trách tại thị trường Việt Nam tìm kiếm các nhà cung cấp để đảm bảo DN Việt có thể cung cấp được các sản phẩm đáp ứng những tiêu chí về an toàn, chất lượng... của tập đoàn.
Yếu tố quan trọng tập đoàn quan tâm là tìm kiếm DN Việt Nam có thể sản xuất và cung cấp cho Trung tâm sản xuất của Boeing ở Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, so với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay Việt Nam có cơ hội nhận được đầu tư nhờ lợi thế chi phí sản xuất.
Do đó, bây giờ cần nhận diện thế mạnh của Việt Nam là năng lực sản xuất, có kỹ sư tay nghề cao…
“Tiết kiệm chi phí không phải là tất cả đối với chúng tôi. Do đó, chúng tôi muốn khuyến khích các nhà cung cấp cấp 1 của Boeing hiện nay ở Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư, phát triển nhà cung cấp cấp 3 ở Việt Nam. Từ đó, để họ sản xuất những linh kiện, sản phẩm, các thành phần của máy bay chúng tôi mua từ họ”-ông Dourdan nói.
Hơn nữa, Tập đoàn từng mời Giám đốc quản lý sản xuất của Boeing đến Trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á và Việt Nam để các chuyên gia hàng đầu của Boeing thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam, có những thứ Boeing phải đặt hàng tại Việt Nam. Điều đó đã mở ra các cơ hội.
Theo ông Dourdan, ngành công nghiệp hàng không phức tạp, cần công nghệ chính xác, các nhà cung cấp có năng lực về tự động hóa để đáp ứng được các quy cách, thị trường mà Boeing yêu cầu.
Vì vậy, Tập đoàn sẽ huấn luyện, đào tạo đồng thời sẽ liên tục hỗ trợ để nâng cao tay nghề của kỹ sư, nâng cao năng lực nhà cung cấp Việt Nam để họ có khả năng sản xuất sản phẩm chất lượng.
“Với tinh thần nổ lực, cởi mở học hỏi của các nhà sản xuất Việt Nam khi được đào tạo sẽ đảm bảo có được nguồn cung chất lượng ”-ông Dourdan nói.