Công ty Việt nên thuê CEO Mỹ hay Nhật, Hàn để 'đáng đồng tiền bát gạo'?

(PLO)- Doanh nghiệp phát triển đến một mức độ nào đó và muốn phát triển thêm, vươn ra tầm quốc tế, thì việc thuê CEO người nước ngoài là cần thiết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây ngày 15-6, tại hội nghị làm việc với doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đổi mới, tối ưu các sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự. Trong đó, đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực được Thủ tướng nhấn mạnh là "then chốt của then chốt".

Công ty Việt nên thuê CEO Mỹ hay Nhật, Hàn để 'đáng đồng tiền bát gạo'?
Các doanh nghiệp nhà nước chịu áp lực trong việc bảo toàn vốn nhà nước, vì vậy việc thuê CEO ngoại cũng cần phải tính đến yếu tố này - Ảnh: LinkQ

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước tính phương án tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đổi mới công tác cán bộ. Theo đó, họ có thể xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành (CEO) của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên. Cùng đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương cũng cần được xây dựng phù hợp.

Yếu tố văn hóa doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng

Xung quanh đề xuất này, đại diện một số doanh nghiệp đã có những quan điểm riêng. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, doanh nghiệp phát triển đến một mức độ nào đó và muốn phát triển thêm và vươn ra tầm quốc tế, thì việc có CEO người nước ngoài cũng là tích cực, tuy nhiên cần phải xét đến rất nhiều yếu tố khác và trên nhiều khía cạnh khác nhau.

“Thực tế tôi nghĩ rằng doanh nghiệp ở loại hình và ngành nghề nào cũng cần đến những CEO ngoại, tuy nhiên cá nhân tôi nghĩ rằng trước mắt doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước phù hợp hơn với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Bởi doanh nghiệp nhà nước ngoài việc tham gia sản xuất kinh doanh còn phải thực hiện một số nhiệm vụ khác không chỉ đơn thuần là sản xuất kinh doanh, ví dụ như với ngành như dệt may còn phải tham gia nhiều vào công tác an sinh xã hội”, Tổng giám đốc Vinatex phân tích.

Cũng theo ông Hiếu, cần làm rõ vai trò của CEO nước ngoài với hội đồng quản trị (nếu CEO này không tham gia hội đồng quản trị) và đặc biệt là với tổ chức Đảng tại doanh nghiệp nhà nước. Bởi nếu không có quy định, cơ chế rõ ràng thì sẽ rất khó cho CEO nước ngoài trong việc điều hành và đưa ra các quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Nói cách khác, CEO nước ngoài có thực quyền không? Có môi trường tốt nhất để thể hiện khả năng điều hành doanh nghiệp không?..., đó là những vấn đề cần phải làm rõ để giúp cho việc điều hành doanh nghiệp của CEO ngoại hiệu quả nhất", ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, cũng cần phải xét đến thực tế bị ràng buộc rất nhiều trách nhiệm liên quan hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước. Khi đó, trách nhiệm của giám đốc điều hành được thuê sẽ như thế nào, căn cứ theo quy định nào để xử lý? Bên cạnh đó cũng cần có các cơ chế rõ ràng về tiền lương, đãi ngộ.

Thêm nữa là yếu tố văn hóa của người Việt, của doanh nghiệp Việt, nếu CEO hoặc quản lý nước ngoài không hiểu sẽ khó hòa nhập và có những quyết định không phù hợp.

Dựa trên quan điểm này, ông Hiếu đề xuất trước mắt có thể lựa chọn 1-2 doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước có hoạt động sản xuất kinh doanh để thí điểm thuê CEO nước ngoài. Trên cơ sở đó Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp cần tổng kết đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng để quyết định có nhân rộng lên hay không.

Đồng quan điểm, đại diện một số công ty cho rằng, việc thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước là một đề xuất đột phá. Nhưng để thí điểm thuê giám đốc ngoại thì cần làm rõ mối quan hệ giữa giám đốc điều hành với hội đồng quản trị và tổ chức đảng của doanh nghiệp bởi giải quyết được mối quan hệ này thì mới có cơ chế làm việc phù hợp, nhịp nhàng. Nếu không có cơ chế rõ ràng, giám đốc điều hành người nước ngoài rất khó đưa ra các quyết định trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc cho biết việc thuê CEO nước ngoài cũng có thể mang đến những nét mới cho doanh nghiệp, song bản thân vị này chưa thực sự nhìn thấy tác động thực sự khác biệt (nếu có) từ các CEO ngoại mang đến cho doanh nghiệp nhà nước vốn có cơ chế và cách thức hoạt động đặc thù, vốn không dễ hiểu và thích nghi với người nước ngoài.

Thuê CEO ngoại như thế nào còn tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực, mục tiêu

Theo một chuyên gia có 40 năm kinh nghiệm trong tư vấn quản trị doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, khi thuê CEO nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam, dù là doanh nghiệp nhà nước hay cổ phần, tư nhân, có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.

Thứ nhất, mục tiêu của việc thuê CEO ngoại là để cải thiện mảng nào trong doanh nghiệp để có sự phân loại rõ ràng hơn. Ví dụ nếu doanh nghiệp cần hướng đến quản trị rủi ro tốt nhất, nên hướng đến thuê CEO từ nước Anh, Anh đứng đầu thế giới về quản trị các vấn đề phát sinh nội bộ và bên ngoài.

Nếu mục tiêu hướng đến là quốc tế hóa doanh nghiệp, vươn tầm quốc tế thì cần phải hướng đến CEO người Mỹ hoặc có nhiều năm kinh nghiệm trong doanh nghiệp Mỹ.

Còn nếu mục tiêu hướng đến chỉ là doanh nghiệp vươn tầm châu Á, tuyển CEO người Singapore và người Nhật sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu này.

2106A.jpg
Tùy theo ngành nghề và lĩnh vực muốn cải thiện mà lựa chọn CEO ngoại cũng sẽ khác nhau, ngoài ra cũng cần đến việc có sự đánh giá độc lập để tính toán hiệu quả - Ảnh: PACE

Thứ hai, tùy vào mỗi ngành nghề mà lựa chọn CEO cũng sẽ khác nhau. Ví dụ với ngành sản xuất, CEO của Nhật, Hàn là lựa chọn tốt, nhưng nếu với các doanh nghiệp trong ngành tài chính, kinh nghiệm quản trị, phát triển sản phẩm, mở rộng tệp khách hàng quốc tế của một CEO người Anh, Mỹ hay Singapore sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt. Nếu doanh nghiệp cần phát triển công nghệ trong kỷ nguyên số, CEO Mỹ hoặc Ấn Độ là những lựa chọn được cân nhắc.

Và cuối cùng, chia sẻ quan điểm với CEO Vinatex, bản thân vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phải áp dụng việc thuê CEO doanh nghiệp nước ngoài thận trọng và từng bước; có những đánh giá khách quan độc lập, áp dụng cơ chế lương thưởng phù hợp từ đó rút kinh nghiệm để việc đó hiệu quả xứng đáng nhất với chi phí bỏ ra.

Chia sẻ với báo chí, TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Ý tưởng xem xét thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên cho doanh nghiệp nhà nước không phải là mới. Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, một số văn bản của cấp có thẩm quyền đã cho phép tổ chức thí điểm HĐQT một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước ký hợp đồng thuê tổng giám đốc điều hành không phải là đảng viên, có thể là người nước ngoài.

Để chỉ đạo của Thủ tướng thành hiện thực, ông Kiên cho rằng cần bỏ tư duy "hành chính hóa", "công chức hóa" đội ngũ quản trị doanh nghiệp nhà nước. Không thể lấy bậc lương của công chức để áp vào lương của những người làm quản trị doanh nghiệp, không nên nhìn vào lương của tổng giám đốc tập đoàn nhà nước là 50 triệu đồng ...để nói rằng đó là mức lương cao lắm rồi

Ông gợi ý một số công việc cần thực hiện để chủ trương trên đi vào thực tế. Ví dụ bản thân các doanh nghiệp nhà nước phải tự xây dựng được đề án và phải đưa ra được tiêu chí, mong muốn trong việc chọn người điều hành; Thủ tướng và các cơ quan giúp việc của Thủ tướng phải xem xét, thông qua nhanh nhất đề án mà các doanh nghiệp nhà nước trình, thay vì tiến hành theo các bước như hiện nay...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm