COVID-19 đẩy 50% doanh nghiệp đến bờ vực phá sản

Đại dịch toàn cầu COVID-19 đang tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những trao đổi cơ bản với báo chí.

Pháp Luật TP.HCM lược ghi một số nhận định của TS Vũ Tiến Lộc về tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh này.

Những ngày này, đất nước ta đang giữa hai cuộc chiến: cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã triển khai khá sớm, khá bài bản và hiệu quả các giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của các hệ thống chính trị, của toàn dân và nước ta đang trở thành một điển hình thành công trong kiểm soát dịch bệnh.

Nhưng trong cuộc chiến kinh tế, những nỗ lực của chúng ta mới chỉ ở bước khởi đầu. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhưng việc thực thi của các bộ, ngành và địa phương còn chậm. Nếu chống dịch như chống giặc thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương, quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.

Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 - đầu tháng 4 thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.

82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30%-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Các doanh nghiệp đã làm gì trong bối cảnh này? Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Nhiệm vụ kép” đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp.

73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà.

Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm.

Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm