Liệu COVID-19 có gây suy thoái toàn cầu?

Tính đến tối 16-3, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lây lan ra hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số ca nhiễm là 169.930 người và có 6.644 bệnh nhân đã tử vong, theo báo South China Morning Post.

Sự lây lan của dịch COVID-19 đã làm giảm doanh số của một số loại hàng hóa, khiến ngành du lịch rơi vào hỗn loạn, thị trường chứng khoán lao dốc và làm gia tăng nỗi lo về suy thoái kinh tế, tạp chí Vox cho hay.

Ngày 12-3, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã có phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ ngày thứ Hai đen tối năm 1987. Ảnh: ABC NEWS

Tuy nhiên, Vox cũng nhận định khó có thể đưa ra một "dự đoán sâu sắc, lâu dài và toàn diện" về nguy cơ suy thoái kinh tế. Song, cách các quốc gia đang hành động cho thấy thế giới đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái do dịch COVID-19.

Ảnh hưởng trước mắt của dịch COVID-19

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là nơi bùng phát và cũng là ổ dịch lớn nhất thế giới. Hiện tại, nước này vẫn chiếm khoảng 47% số người nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu.

Nhóm G7 chiếm 60% số người chết và 46% số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc. Trong đó, Ý là tâm dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, còn Canada - quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất trong nhóm G7 cũng đã có một trường hợp tử vong.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-3, chỉ một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố COVID-19 là "đại dịch", chỉ số Dow Jones của Mỹ đã giảm 9,99 điểm phần trăm. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ ngày thứ Hai đen tối (19-10-1987), theo đài CNBC.

Thị trường dầu mỏ thế giới cũng chịu ảnh hưởng. Theo tạp chí Business Times (Singapore), giá dầu thô ngọt nhẹ đã giảm 23% trong tuần trước, mức giảm lớn nhất từ năm 2008. Tương tự, dầu Brent cũng giảm ở mức kỷ lục là 25%.

Cuối tháng 2, Công ty nghiên cứu Oxford Economics dự báo dịch bệnh có thể gây thiệt hại từ 22 tỉ USD (tương đương 509.000 tỉ đồng) đến 73 tỉ USD (tương đương 1,69 triệu tỉ đồng) cho ngành du lịch toàn cầu.

Các hãng hàng không, hàng tàu thủy và dịch vụ nhà hàng - khách sạn cũng bị ảnh hưởng do các lệnh cấm hoặc các khuyến cáo hạn chế đi lại do nỗi sợ - có thể thực tế - nhưng cũng có thể đã bị thổi phồng - về dịch COVID-19, Vox phân tích.

Chuyên gia nhận định về diễn biến thị trường

"Có nguy cơ tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu khi dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài hơn" - theo chuyên gia tài chính Rohan Williamson thuộc Trường kinh tế McDonough, ĐH Georgetown.

Ông Williamson cho rằng chuỗi cung ứng có thể chống chịu trong vài tuần dựa vào nguồn dự trữ có sẵn nhưng nếu vượt qua giới hạn của nguồn dự trữ, mọi chuyện "sẽ rắc rối hơn".

Ông Williamson cho biết thị trường chứng khoán biến động mạnh là do sự không chắc chắn về nguy cơ suy thoái ở phạm vi toàn cầu của giới đầu tư, dù rằng họ đang hành động để chuẩn bị cho viễn cảnh xấu đó.

Vị chuyên gia cho rằng nhiều nhà đầu tư sẽ nghĩ đến dịch bệnh là động cơ cho hành động của mình. "Điều gì sẽ là phản ứng trong trường hợp xấu nhất, nếu mọi thứ thực sự tồi tệ?" - ông hỏi.

Suy nghĩ của nhà đầu tư sẽ là "tôi không muốn trở thành một người giữ cổ phiếu nếu mọi chuyện thực sự tồi tệ trong vài tháng tới, do đó tôi sẽ bán ngay bây giờ" - ông Williamson nhận định.

Một số công ty tài chính và chuyên gia phân tích cũng đã thay đổi dự báo tăng trưởng trong năm nay. Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của các công ty Mỹ về 0% trong năm nay.

"Các công ty Mỹ sẽ không tạo ra giá trị tăng trưởng trong năm 2020" - chiến lược gia trưởng David Kostin của Goldman Sachs cho biết. Theo đó, tập đoàn này "đã cập nhật mô hình giá trị của mình cho phù hợp với nguy cơ virus lây lan trên diện rộng".

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khác nhau

Công ty công nghệ Apple và hãng thời trang thể thao Nike là hai trong những công ty đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong quý I-2020. Nguyên nhân là do họ có hoạt động sản xuất và kinh doanh quy mô lớn ở Trung Quốc. 

Hoạt động sản xuất đã bị ảnh hưởng bởi đợt nghỉ tết Nguyên đán dài hơn dự kiến và các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại do dịch COVID-19. Bây giờ, mọi thứ vẫn đang hồi phục rất chậm và cần thời gian để các nhà máy mở rộng quy mô hoạt động trở lại, Vox nhận định.

"Ngay cả khi bạn quay trở lại nhà máy, bạn phải mất 14 ngày cách ly. Chúng tôi có những công nhân làm việc lâu năm còn chưa trở lại làm việc" - nhân viên tại một công ty Trung Quốc nói với đài NPR hồi cuối tháng 2. 

Một cửa hàng ở TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc được mở cửa trở lại ngày 8-3. Ảnh: AFP

Ngành bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng. Apple đã đóng cửa các cửa hàng ở Trung Quốc vì lo ngại dịch bệnh và đến ngày 13-3 toàn bộ các cửa hàng mới mở cửa trở lại. Nhưng sau đó chỉ một ngày, tất cả cửa hàng bên ngoài Trung Quốc vì lý do tương tự.

Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng có sự tham gia của các nhà máy ở Trung Quốc hoặc có cửa hàng ở nước này cũng chịu ảnh hưởng tương tự Apple.

Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ thậm chí còn khó chống chọi lại ảnh hưởng của dịch COVID-19 hơn nữa, theo Vox. Những người bán hàng trên trang mua sắm trực tuyến Amazon đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn hàng.

Tất cả tạo ra một khởi đầu tồi tệ cho nền kinh tế và công nghiệp toàn cầu trong năm 2020. Tuy vậy, vẫn khó khẳng định dịch COVID-19 sẽ có tác động nghiêm trọng đến mức nào vì một khi dịch bệnh lan rộng từ Trung Quốc sang khu vực Âu-Mỹ, phạm vi thiệt hại sẽ mở rộng theo.

"Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy mỗi nước đều có ca bệnh và thời gian lây nhiễm có thể kéo dài nhiều tháng, tôi không nghĩ nhất thiết sẽ có điểm cuối của dịch" - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Jennifer Nuzzo của Trung tâm An ninh y tế Hopkins nói.

Vấn đề là thời điểm kiểm soát được dịch COVID-19

Vox cho rằng vấn đề mấu chốt để xác định thiệt hại do dịch COVID-19 là việc tình trạng khẩn cấp này được giải quyết khi nào.

Một số chuyên gia kinh tế nói với phóng viên Vox rằng GDP của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng khá nặng trong quý I năm nay. Với việc quốc gia đông dân nhất thế giới chiếm 17% giá trị kinh tế toàn cầu, dự báo này không phải là một tin tốt lành.

"Kịch bản tốt nhất là (tăng trưởng - PV) ở Trung Quốc trong quý I là 0%. Nhiều chuyên gia còn cho rằng GDP sẽ tăng trưởng âm trong quý I, do đó sẽ tác động đến GDP toàn cầu" - theo chuyên gia Randy Frederick, Phó giám đốc lĩnh vực hợp đồng thương mại và phái sinh của Công ty tài chính Charles Schwab.

Nguy cơ tăng trưởng âm của châu Âu là lớn hơn do cuối năm 2019, GDP của các nước khu vực Eurozone chỉ tăng ở mức 0,1%. Quý IV-2019, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% và các chuyên gia cho rằng con số này sẽ giảm xuống trong quý I năm nay.

Nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt và tiếp tục lây lan, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên. Nhưng Vox lưu ý, vẫn còn nhiều yếu tố khác có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế, ví dụ như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hay phản ứng của từng nước.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp

Sự bùng phát của dịch COVID-19 chắc chắn sẽ làm lộ nhiều lỗ hổng trong các công ty, đặc biệt là các công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, hoạt động sản xuất và tiêu thụ ở Trung Quốc.

Dù rằng các công ty có thể xem xét giảm sự phụ thuộc này, điều đó không có nghĩa họ sẽ cùng nhau từ bỏ Trung Quốc. Họ có thể phân phối nguồn lực hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để bảo vệ tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng cục bộ ở một quốc gia nhất định.

Dù vậy, theo Vox, điều này không có nghĩa là nhiều việc làm hơn sẽ trở về tay người lao động Mỹ, như Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng phát biểu.

Và ngay cả khi các công ty không còn phụ thuộc vào Trung Quốc, họ vẫn nên cảnh giác vì không biết đại dịch sẽ lây lan tới đâu và lây lan tới lúc nào.

Hiện nay, có vẻ như các công ty nên suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này khi mà dịch bệnh ở Trung Quốc đã được kiểm soát và các vùng khác trên thế giới trở thành tâm dịch mới. 

Toàn cảnh đại dịch COVID-19 ngày 16-3
Toàn cảnh đại dịch COVID-19 ngày 16-3
(PLO)- Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến chiều 16-3, thế giới ghi nhận có hơn 6.500 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra và khoảng 167.392 ca nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm