Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành công điện về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Thống đốc yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra thân nhiệt cho cán bộ, người lao động và khách đến giao dịch; yêu cầu các trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh, ho, sốt đến ngay các cơ sở y tế để được khám và xử lý; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để báo ngay với các đơn vị chức năng trên địa bàn hỗ trợ xử lý kịp thời.
Các đơn vị trong ngành rà soát cân nhắc, tạm hoãn các chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, nhất là đến những nước và vùng lãnh thổ có dịch; không cử cán bộ, người lao động đi công tác nước ngoài trong thời điểm hiện nay; khuyến cáo cán bộ, người lao động trong đơn vị không nên đi nước ngoài (kể cả đi việc riêng, du lịch) khi dịch bùng phát trên thế giới có nhiều phức tạp.
Về vấn đề kho quỹ, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt và kho quỹ. Các loại tiền cũ khi các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra, tùy thuộc vào khả năng cân đối của từng NHNN chi nhánh.
NHNN chi nhánh căn cứ tình hình tiền mặt trên địa bàn, có thể sử dụng lượng tiền mặt dự trữ trong kho tiền (loại tiền mới in, nhất là các loại mệnh giá nhỏ) để cung ứng cho các tổ chức tín dụng. Trường hợp tiền mới không đủ thì sử dụng tiền đã qua sử dụng và đã được khử khuẩn tại kho.
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM); tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Các ngân hàng cũng cần tăng cường các hoạt động online trong các quy trình, thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng, cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế đi lại và khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch.