Tờ The New York Post ngày 21-12 dẫn báo cáo mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cảnh báo Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng, mở rộng hệ thống ăng-ten do thám tình báo ở Biển Đông.
Cụ thể, báo cáo đính kèm một số ảnh chụp vệ tinh mới nhất vào tháng 11 cho thấy quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng cơ sở ăng-ten do thám Mộc Miên ở phía tây đảo Hải Nam.
Cơ sở Mộc Miên được thông báo bắt đầu hoạt động từ năm 2018. Cơ sở bao gồm một khu vực tập trung nhiều trang bị giúp liên lạc vệ tinh và tình báo tín hiệu mới ở phía nam, gồm một tòa nhà lớn với bốn ăng-ten parabol, ba cái có đường kính 14 m và một chiếc đường kính 4 m, cùng ít nhất bốn tháp ăng-ten khác phục vụ liên lạc hoặc tác chiến điện tử.
Ảnh so sánh quá trình nâng cấp cơ sở ăng-ten do thám Mộc Miên của Trung Quốc ở đảo Hải Nam vào tháng 8-2020 và tháng 11-2021. Ảnh: CSIS
Dựa vào ảnh vệ tinh mới nhất, một số tòa nhà lớn mới đã được xây dựng thêm tại cơ sở Mộc Miên - bao gồm một sở chỉ huy, tòa nhà hành chính, khu nhà dành cho nhân viên bảo trì và nhà ở.
Ít nhất 90 phương tiện và xe kéo các loại, trong đó có nhiều xe chở theo một ăng-ten lớn hoặc hai ăng-ten nhỏ, cũng xuất hiện trong khuôn viên cơ sở.
CSIS cho rằng sự xuất hiện dày đặc của các phương tiện này cho thấy nhiều khả năng phần lớn các khu vực mới xây dựng tại Mộc Miên đã đi vào hoạt động chính thức. Cơ sở này còn được cho là nơi quân đội Trung Quốc huấn luyện các lực lượng thu thập thông tin tình báo tín hiệu và tác chiến điện tử.
Theo CSIS, cơ sở này hiện có thể đã có đủ các trang thiết bị để theo dõi và liên lạc qua vệ tinh.
Cơ sở này còn có thể thu thập thông tin tình báo thông qua chặn thu và phân tích tín hiệu hoặc liên lạc từ vệ tinh, radar, các khí tài và hệ thống điện tử khác. Nhiều công trình gần căn cứ Mộc Miên dường như cũng được xây dựng với mục đích chuyên thu thập tín hiệu liên lạc giữa các cá nhân và tổ chức.
Mộc Miên còn được cho là địa điểm Trung Quốc dùng để huấn luyện các lực lượng tình báo chuyên về thu thập thông tin tín hiệu và tác chiến điện tử.
"Đây là bước đi của Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực theo dõi các lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện trong khu vực Biển Đông và trên không gian. Nhiều khả năng đây cũng là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm nâng cấp năng lực phòng thủ và tấn công kỹ thuật của nước này" - CSIS khẳng định.
Theo kế hoạch hiện đại hóa được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra, quân đội Trung Quốc phải nhanh chóng ưu tiên phát triển năng lực tác chiến điện tử để đảm bảo không chỉ quân đội Trung Quốc hoạt động hiệu quả ở địa hạt này mà còn có thể cạnh tranh được với các cường quốc quân sự khác như Mỹ cũng có mặt tại Biển Đông.