Cụ ông U80 viết thư tay cảm ơn hàng xóm đưa cơm giữa mùa dịch

Ngày 14-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chị Phan Mai Ngọc Yến (ngụ phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ những ngày qua, gia đình chị rất vui khi nhận được thư tay cảm ơn của cụ Nguyễn Mạnh Thanh.

Chị Yến cho biết cụ Thanh là hàng xóm lâu năm của gia đình. Hiện tại, cụ đang sống một mình, lâu lâu mới có người đến thăm. Từ lúc TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, việc đi lại khó khăn nên chị Yến không thấy người thân đến thăm cụ Thanh nữa.

Nhà của chị Yến (cổng màu xanh) kề bên nhà cụ Thanh. Biết cụ sống một mình, gia đình chị Yến rất quan tâm, chăm sóc. Ảnh: NVCC

Thương cụ già neo đơn, ngày 12-7, cô Mai Thị Sen, mẹ của chị Yến, tìm hiểu thì biết cụ bị bệnh, ăn uống khó khăn. Vì vậy, cô về nhà nấu cháo đưa sang. Cô lặng lẽ để lại tô cháo và bức thư tay gửi cụ. Tuy nhiên, cụ tự trọng không nhận cháo. Hôm sau, cô Sen liền nghĩ cách nói rằng có người quen gửi tiền lo chuyện cơm nước cho cụ.

Đến ngày 14-7, gia đình chị Yến vô cùng bất ngờ khi nhận được thư tay cảm ơn của cụ Thanh.

Lá thư đầu tiên cụ Thanh viết gửi mẹ của chị Yến có nội dung: “Gần nửa tháng qua, tôi đau nhức, đêm ngủ ngồi chập chờn, lại chỉ uống sữa, không dám ăn uống, tiêu hóa bị rối loạn. Hai ngày qua, được cô cho cơm ăn. Của cho không nhiều nhưng tác dụng lại kỳ diệu: Sau bữa cơm đầu, cảm thấy bớt đau, không còn sợ những cơn đau như trước. Tình cảm xóm giềng, cô giúp đỡ rất quý, không lời cám ơn nào xứng đáng. Hiện nay, bệnh tình tôi đã khá nhiều, đêm có thể nằm ngủ, gần hồi phục như trước khi có lệnh giãn cách…”.

Cuối thư, cụ cho rằng bản thân đã khỏe, nhà có sẵn thực phẩm nên không dám phiền gia đình chị Yến. Tuy vậy, mẹ của chị Yến vẫn kiên trì nấu cơm, gửi sang cho cụ.

Hai bức thư của cụ Thanh gửi cho mẹ của chị Yến để cảm ơn. Bức đầu tiên, cụ viết nhầm ngày 14-7-2021 thành 14-7-2011. Ảnh: NVCC

Từ đó, cứ đúng 10 -11 giờ mỗi ngày, cô Sen đều đưa cơm sang cho cụ Thanh. Xúc động trước tấm lòng của gia đình chị Yến, ngày 28-7, cụ Thanh tiếp tục viết thư tay cảm ơn.

Trong bức thư thứ hai, cụ khen ngợi tài nấu ăn của cô Sen và quyết định nhờ hàng xóm tiếp tục đưa cơm.

Bức thư này có đoạn: “Bảy mươi năm cơm hàng cháo chợ, tôi chưa bao giờ được ăn ngon như những ngày này. Nhờ ăn cơm, mau lại sức có thể chịu đựng được những cơn đau nối tiếp nhau ngày cũng như đêm… Thôi thì, cô làm phúc phải tội, xin cô giúp thêm ít ngày nữa”. Đồng thời, cụ cũng xin được góp chi phí để không phải e ngại với hàng xóm. Bức thư được gửi kèm với đôi chai dầu ăn, nước mắm… mà cụ được địa phương hỗ trợ.

Theo chị Yến, mỗi bức thư của cụ Thanh đều nặng tình với câu chữ chân thành, nét chữ đẹp ngay ngắn, trân trọng người nhận.

“Do cụ Thanh lãng tai, cho nên về sau hễ cần gì thì hai bên thường viết thư trao đổi qua lại. Gia đình dự định sẽ nấu cơm cho cụ đến lúc hết giãn cách. Vừa rồi, phường có tổ chức tiêm vắc-xin cho người cao tuổi. Mẹ tôi biết tin có biên thư nhắc cụ và ngỏ ý để tôi chở cụ đi nhưng cụ sợ tiêm nên thôi” – chị Yến cho biết.

Sở dĩ, gia đình chị Yến quý mến cụ Thanh cũng xuất phát từ việc thường ngày cụ sống rất tình cảm. Trước khi dịch bùng phát, mỗi sáng – chiều, cụ thường đều đặn quét sân cho nhà hàng xóm.

Lúc chưa có dịch, cụ Thanh thường quét sân cho hàng xóm. Ảnh: NVCC

Chị Yến nói gia đình chị ăn gì thì nấu cho cụ ăn giống như vậy. Tuy nhiên, thức ăn dành cho cụ sẽ được nêm nhạt hơn, nấu nhừ hơn. Cụ lớn tuổi, ăn ít nên gia đình chị không cảm thấy phiền hà. Ngược lại, gia đình cảm thấy rất vui.

Hiện tại, việc nấu cơm cho hàng xóm vẫn được cô Sen duy trì mỗi ngày. Gia đình cũng mong hết dịch để cụ có thêm người thân chăm sóc, đỡ phần neo đơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm