Chỉ còn cách ngày cưới một tháng, Linh và Tùng (chồng sắp cưới) liên tiếp xung đột, dù trước đó cả năm yêu nhau chưa từng to tiếng. Bạn bè đều ủng hộ họ, gia đình hai bên quý xem như con cái trong nhà. Linh cho biết, xung đột một phần vì hai đứa phải ở xa nhau đúng lúc đưa ra quyết định cưới. Linh về quê làm, còn Tùng làm việc ở Hà Nội, vậy nên một tuần chỉ có hai ngày nghỉ để gặp nhau, bàn chuyện trăm năm. Thành thử, khi gặp nhau mọi thứ cứ rối tung, không biết việc nào nên làm trước, việc nào làm sau. Bức xúc tích tụ nổ thành những cuộc "khẩu chiến".
Ảnh minh họa: xuandetang
Chuyện của Lan (25 tuổi, Hà Nội) khác hơn một chút. Trong khi cô đang háo hức chờ đến ngày trọng đại thì nhận được "gáo nước lạnh". Một buổi tối, mẹ chồng tương lai gọi cô đến ăn bữa cơm thân mật và "ca" một bài về "tam tòng tứ đức". Bà dặn cô "để làm một người vợ tốt, con phải biết nhẫn nhịn, chăm sóc chồng con. Như bố mẹ này, lấy nhau bao nhiêu năm chưa cãi vã lần nào, người này tức thì người kia phải nhịn đi"; "nào bố mẹ là người sạch sẽ, nên mọi thứ trong nhà đều phải gọn gàng"; rồi nấu ăn phải thế này thế kia… Suốt buổi trò chuyện, ông xã tương lai của Lan im re, không hé răng nói dù chỉ nửa lời. Nghe xong, Lan thấy bùng nhùng trong đầu, tự đặt ra hàng tá câu hỏi, liệu mình có thực sự hợp với cuộc sống gia đình; liệu người mình lấy làm chồng có đứng ra bảo vệ mình mỗi khi xích mích với bố mẹ chồng? Suy nghĩ nhiều thành ra hoảng loạn, đến mức Lan quyết định chia tay. May mà chồng sắp cưới của Lan hiểu tâm lý con gái sắp về làm dâu nên cứ lờ đi, mỗi lần nghe Lan nói đến chuyện chia tay lại trêu: “Em nghĩ kỹ chưa? Nghĩ xong rồi thì tùy em quyết định. Em đi mà nói với bố mẹ hai bên, anh không liên quan!”. Phương (27 tuổi, Nam Định) từng thấy mình thật may mắn khi sắp lấy được người chồng hiền "như bụt", nhà Hà Nội. Lúc mới yêu, chưa bao giờ Minh (chồng tương lai của cô) dám quát Phương một câu, đến cái ho Minh cũng phải bịt miệng lại. Vậy mà sau khi hai bên gia đình gặp mặt, đi đến quyết định cưới xin, Minh bắt đầu có những biểu hiện khác lạ. Anh to tiếng mỗi khi không hài lòng với một hành vi nào đó của Phương. Phương tức lắm, nghĩ: “Bây giờ đã thế, cưới về còn thế nào nữa, chẳng lẽ giờ chia tay”. Nhưng vừa nghĩ xong thì đứa bé trong bụng đạp liên hồi, khiến cô tỉnh ngộ nhìn vào sự thật, tự nhủ "con gái không nhịn thì gia đình sẽ rất khó để yên ấm". Không dừng lại ở những cãi vã, xung đột đơn thuần, mọi chuyện trở nên "quá đà" với cặp đôi Tiến (32 tuổi, Hà Nội) và Dung (31 tuổi). Ngày cưới cận kề, mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy, nhưng tất cả đổ bể chỉ vì tình huống “dở khóc dở cười”. Tiến không có xe, anh không thể qua đón Dung đi làm vào một buổi sáng trời mưa. Biết mình sai, Tiến đã nhận lỗi và cố gắng hàn gắn mối quan hệ, nhưng Dung thì ngược lại. Cô được thể làm kiêu, một mực đòi chia tay với lý do anh không quan tâm đến đời sống vợ sắp cưới. Sau nhiều lần cố gắng nhưng bất thành, Tiến cũng buông xuôi, phó mặc cho mối quan hệ hai người đi vào ngõ cụt. Đến giờ, Dung rất hối hận vì quyết định bồng bột của mình. Nhiều lần, Dung gọi điện cho Tiến, muốn hàn gắn, nhưng gia đình Tiến nhất quyết không đồng ý. Bản thân tình cảm Tiến dành cho Dung cũng không còn vẹn nguyên như trước. Theo nhà tâm lý Minh Hoa - tổng đài 1088, các đôi yêu nhau đều biết đích đến của tình yêu là hôn nhân. Nhưng không phải bạn nào cũng hiểu kết hôn là như thế nào, thậm chí có bạn yêu nhau và quyết định kết hôn một cách vội vàng mà chưa chuẩn bị tâm lý kỹ càng, dẫn đến hậu quả là hối hận trước và sau khi kết hôn. Các bạn trẻ nên biết, sau khi kết hôn, điều bạn cần đặc biệt lưu ý đó là vị trí, trách nhiệm của bạn sẽ thay đổi rất nhiều. Khi còn độc thân, bạn có thể tự do bay nhảy, không phải chịu bất cứ ràng buộc nào. Bạn được thoải mái sống và làm bất cứ điều gì bạn muốn, không sợ bị ảnh hưởng đến ai. Nhưng sau khi kết hôn, vị trí của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi, bạn không còn là cô nàng/anh chàng độc thân nữa, bạn đã trở thành người vợ người chồng, là con dâu con rể, có thêm nhiều anh chị em trong gia đình, rồi các mối quan hệ đồng nghiệp của vợ, của chồng... Lúc này bạn phải học cách ứng xử làm sao cho vẹn toàn với tất cả, sức nặng đặt lên đôi vai bạn cũng nhân lên gấp đôi so với cuộc sống độc thân. Nhiều bạn khi chuẩn bị bước vào hôn nhân cũng mơ màng nhận thức được những điều trên và cảm thấy mình đang dần bị mất tự do, thấy mình phải gánh vác quá nhiều thứ, dẫn đến tâm lý sợ, hụt hẫng, không muốn kết hôn nữa. Đây cũng là điều dễ hiểu mà hầu hết bạn trẻ đều gặp phải.
Để tránh những cuộc cãi vã, stress tiền hôn nhân, chuyên gia khuyên bạn trẻ nên lưu ý các điều sau:
1. Chuẩn bị tốt về mặt tâm lý. Sắp sửa bước vào vị trí, vai trò mới, bạn cần biết hôn nhân và độc thân hoàn toàn không giống nhau. Nói một cách cụ thể, bạn sắp phải kết thúc thời kỳ độc thân để bước vào cuộc sống hôn nhân với rất nhiều mối quan tâm mới mà trước đó bạn chưa từng trải qua. 2. Chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính bạn, cũng như với người sẽ sống chung với bạn suốt cuộc đời. Kết hôn rồi, bố mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh chăm lo cho bạn từng ly từng tý được nữa. Lúc này, bạn sẽ phải tự lo cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình. Và thời điểm trước hôn nhân, bạn sẽ nhận thức điều đó rõ ràng hơn cả. 3. Hai người phải cùng ngồi lại, vạch ra những quy ước chung cho cuộc sống gia đình, từ việc ứng xử với hai bên nội ngoại; tết nào về quê ai; cách thức quản lý tài chính; cho đến việc khi cãi vã phải làm thế nào... Khi cả hai đã có những quy ước chung, vợ chồng sẽ tránh được bất đồng không cần thiết, đạt được sự đồng thuận, giúp cuộc sống gia đình trở nên dễ chịu, thoải mái hơn. 4. Tài chính cũng là vấn đề quan trọng bạn cần lưu tâm khi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân. 5. Tham gia lớp học tiền hôn nhân. Nhiều bạn nghĩ mình cũng như mọi người, cứ làm rồi cũng xong, không cần học lớp tiền hay hậu hôn nhân, đến khi xảy ra chuyện không hay mới ngậm ngùi "biết thế". Lớp học tiền hôn nhân sẽ hướng dẫn bạn ứng phó với các tình huống có thể xảy ra sau khi kết hôn; hướng dẫn bạn cách để cả hai dễ dàng chấp nhận và thích nghi với nhau...
Để tránh những cuộc cãi vã, stress tiền hôn nhân, chuyên gia khuyên bạn trẻ nên lưu ý các điều sau:
1. Chuẩn bị tốt về mặt tâm lý. Sắp sửa bước vào vị trí, vai trò mới, bạn cần biết hôn nhân và độc thân hoàn toàn không giống nhau. Nói một cách cụ thể, bạn sắp phải kết thúc thời kỳ độc thân để bước vào cuộc sống hôn nhân với rất nhiều mối quan tâm mới mà trước đó bạn chưa từng trải qua. 2. Chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính bạn, cũng như với người sẽ sống chung với bạn suốt cuộc đời. Kết hôn rồi, bố mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh chăm lo cho bạn từng ly từng tý được nữa. Lúc này, bạn sẽ phải tự lo cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình. Và thời điểm trước hôn nhân, bạn sẽ nhận thức điều đó rõ ràng hơn cả. 3. Hai người phải cùng ngồi lại, vạch ra những quy ước chung cho cuộc sống gia đình, từ việc ứng xử với hai bên nội ngoại; tết nào về quê ai; cách thức quản lý tài chính; cho đến việc khi cãi vã phải làm thế nào... Khi cả hai đã có những quy ước chung, vợ chồng sẽ tránh được bất đồng không cần thiết, đạt được sự đồng thuận, giúp cuộc sống gia đình trở nên dễ chịu, thoải mái hơn. 4. Tài chính cũng là vấn đề quan trọng bạn cần lưu tâm khi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân. 5. Tham gia lớp học tiền hôn nhân. Nhiều bạn nghĩ mình cũng như mọi người, cứ làm rồi cũng xong, không cần học lớp tiền hay hậu hôn nhân, đến khi xảy ra chuyện không hay mới ngậm ngùi "biết thế". Lớp học tiền hôn nhân sẽ hướng dẫn bạn ứng phó với các tình huống có thể xảy ra sau khi kết hôn; hướng dẫn bạn cách để cả hai dễ dàng chấp nhận và thích nghi với nhau...
Theo Phương Nguyên (VNE)