Cử tri phẫn nộ với việc nhiều cán bộ tiếp tay cho hành vi trục lợi từ COVID-19

(PLO)- Cử tri bất bình, phẫn nộ với hành vi lợi dụng công tác phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi, trong đó có những vụ có sự tiếp tay, bao che chủa một số cán bộ, đảng viên…

Sáng nay 23-5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước đến kỳ họp 3 của Quốc hội.

Ông cho hay cử tri và người dân cả nước bày tỏ niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có thành công từ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi.

Một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn, liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương, một số cán bộ, đảng viên tiếp tay, bao che cho việc phạm tội làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo đó, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, không bỏ lọt tội phạm, thông tin kịp thời công khai, minh bạch tiến độ, kết quả điều tra, xét xử để nhân dân biết và giám sát.

Bên cạnh đó, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân nhận biết, hiểu đúng và đủ về các triệu chứng hậu COVID-19, nâng cao chất lượng khám chữa, bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân sau nhiễm COVID-19; xem xét điều chỉnh quy định 5K của Bộ Y tế cho phù hợp với tình hình mới.

Ông Chiến cũng cho hay cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm.

Đặc biệt, cử tri đồng tình đồng tình, ủng hộ chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh... Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao, như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Cử tri và nhân dân cũng đồng tình trong việc xử lý nghiêm vụ án “Nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” ở Tập đoàn FLC; “đấu giá đất bất bình thường” và phát hành trái phiếu trái pháp luật của Công ty Tân Hoàng Minh; vụ buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai, Quảng Ngãi…; xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về giá cả xăng, dầu, vật tư nông, lâm nghiệp tăng cao; tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội chậm; hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản… còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cùng với đó, dư luận xã hội còn băn khoăn, lo lắng về chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài; về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; về thí sinh tự do thi vào đại học không được cộng điểm ưu tiên theo vùng.

“Còn có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Thực tế, có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông”, ông Chiến cho hay và đề nghị Bộ GDĐT cần cẩn trọng trong việc cải cách chương trình giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc học này là môn học tự chọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới