Tối 30-11, UBMTTQ Việt Nam quận 1, TP.HCM tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 2 sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV và tổ Đại biểu (ĐB) Hội đồng Nhân dân TP đơn vị 4 trước kỳ họp lần thứ 13, khoá X.
Tổ ĐBQH đơn vị 2 gồm: bà Trần Kim Yến, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM; ông Đỗ Đức Hiển, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.
Tổ ĐB HĐND TP đơn vị 4 gồm bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận uỷ quận 1; bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Quận uỷ quận 1.
Cần những giải pháp căn cơ về trật tự an toàn giao thông
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Bá Hà (phường Bến Nghé) quan tâm vấn đề chưa thông qua Luật đất đai trong kỳ họp vừa qua của Quốc hội.
Ông cũng bức xúc trước tình trạng trẻ em vi phạm trật tự an toàn giao thông phức tạp như hiện nay. Từ đó, tỷ lệ học sinh gặp tai nạn giao thông cũng tăng. “Đề nghị nhà nước có những biện pháp căn cơ, phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm giải quyết triệt để vấn đề. Đặt ra mục tiêu cần thực hiện là kéo giảm xuống mức thấp nhất”, cử tri đề xuất.
Ông Hà cũng đánh giá, tại TP.HCM, tình hình thanh thiếu niên vi phạm, gây rối trật tự công cộng đã được kéo giảm nhờ các giải pháp quyết liệt như chống đua xe. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, tình trạng đua xe vẫn còn. Do đó, cử tri đề nghị các cơ quan phải làm triệt để, không được kéo dài.
Về xử lý vi phạm nồng độ cồn, cử tri đề xuất một giải pháp lâu dài là tập trung vào văn hoá sử dụng rượu bia thì không lái xe. “Cần phải nhấn mạnh rằng 43% số vụ tai nạn giao thông vừa qua là có liên quan đến rượu bia. Sau khi thực hiện căn cơ thì giảm còn 23%. Chúng tôi đề nghị tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn để hình thành văn hoá giao thông đã uống rượu bia thì không lái xe”, cử tri đề xuất.
Trả lời ý kiến cử tri về Luật đất đai 2023, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết, Quốc hội đã rất thận trọng trong việc rà soát, nghiên cứu và thông qua Luật này vì đây là chính sách rất lớn. Luật sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống người dân và còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng, do đó Quốc hội đã đề nghị chậm lại.
“Tuy nhiên, hiện các cơ quan Quốc hội, Chính phủ đang tập trung làm việc liên tục, cố gắng trong thời gian sớm nhất trình Quốc hội xem xét”, ĐB Hiển thông tin.
Về vấn đề nồng độ cồn khi lái xe, ĐB Hiển cho biết, thời gian tới các cơ quan sẽ làm rõ thêm về cơ sở khoa học để báo cáo cho Quốc hội nhằm có một quy định chặt chẽ về cơ sở pháp luật, chính trị và khoa học đối với việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Cần có cơ chế riêng với sách giáo khoa
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Võ Xuân Anh (phường Đa Kao) bức xúc trước tình trạng cuộc gọi rác quảng cáo, môi giới, lừa đảo không giảm mà thậm chí còn biến tướng tinh vi. Theo ông, mặc dù hàng trăm nghìn thuê bao, SIM không chính chủ bị xử lý nhưng tình trạng trên vẫn còn kéo dài.
Cử tri kiến nghị Chính phủ nên có giải pháp triệt để trong việc quản lý sim điện thoại, cần có quy định cụ thể để bảo vệ người dân trước các cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo.
Bên cạnh đó, cử tri Võ Xuân Anh cũng đề cập đến vấn đề về sách giáo khoa. Nhiều phụ huynh học sinh không đồng tình với việc phát hành và dùng sách giáo khoa, về giá sách giáo khoa tăng. Nếu chấp nhận giá sách cao thì người dân vẫn gặp khó tìm mua đủ bộ sách cho con. Phải lùng sục các nơi bán sách.
“Sách giáo khoa phải đảm bảo cung cấp kiến thức phổ thông, qua đó phát triển năng lực phẩm chất người học, sẽ tác động đến cả 1 thế hệ. Kiến nghị Chính phủ có bộ phận nghiên cứu để ban hành thống nhất 1 bộ sách giáo khoa là kiến thức chung. Còn kiến thức mở rộng, nâng cao kỹ năng thì mới thực hiện xã hội hóa để đảm bảo chất lượng giáo dục”, cử tri phát biểu và đề nghị phải có một cơ chế riêng đối với sách giáo khoa.
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Thị Tuyết Vân, phường Cầu Kho bức xúc trước nhiều điểm không phù hợp trong bộ sách giáo khoa mà theo bà là chứa một số nội dung không phù hợp lứa tuổi học sinh.
Về vấn đề này, ĐB Đỗ Đức Hiển thông tin, hiện đã có một đoàn giám sát chuẩn bị trình Quốc hội, báo cáo về sách giáo khoa. Quốc hội cũng đã có nghị quyết giao cho Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm với bộ sách này.
“Trong thời gian tới, ngoài những sách xã hội hoá đã vận hành, soạn thảo thì có một bộ sách giáo khoa nữa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, kỳ vọng đáp ứng được mong muốn của cử tri”, ĐB Hiển cho biết.
Riêng vấn đề sách giáo khoa, ĐB Tô Thị Bích Châu thông tin, hiện nay có một số đối tượng xấu lợi dụng sự quan tâm của người dân về SGK đã lan truyền các hình ảnh, thông tin không đúng về SGK gây bức xúc cho người dân.
ĐB đề nghị người dân nên tỉnh táo, không tiếp tay cho các thế lực xấu lan truyền thông tin giả, không đúng sự thật.
Cần sớm thu phí lòng lề đường
Cử tri Bùi Văn Trúc, phường Phạm Ngũ Lão nêu vấn đề về đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng lề đường tại thành phố. Theo ông, mục đích thu phí nhằm hoàn chỉnh các quy định trong công tác quản lý nhà nước, góp phần lập lại trật tự mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng và một phần lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, cần có những biện pháp thu phí rõ ràng, chi tiết, công khai, minh bạch để đảm bảo sự công bằng giữa cá nhân và các hộ kinh doanh.
Về vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng cho rằng nên có các biện pháp thu phí sớm để ổn định các vỉa hè ở trung tâm thành phố. Bởi theo cử tri, hiện nay vấn đề buôn bán ở lòng lề đường vẫn còn diễn biến phức tạp. Cử tri đề nghị chính quyền cần có biện pháp xử lý nghiêm một số trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, buôn bán hàng rong, đẩy mạnh việc giữ gìn giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Trả lời cử tri, ĐB Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, việc thu phí lòng lề đường sẽ được tiếp thu và đề nghị UBND quận 1 sớm có hướng dẫn. ĐB Châu cho biết các mức giá thu phải thể hiện sự công bằng, đúng đối tượng, công khai, dân chủ để đảm bảo quản lý nhà nước về thu phí lòng lề đường.