Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ gay gắt với mức thuế suất trả đũa cao từ thị trường rộng lớn Trung Quốc (TQ), buộc nhiều mặt hàng của Mỹ phải tìm thị trường mới, trong đó có Việt Nam (VN).
Người Việt thích tôm hùm, cua hoàng đế Mỹ
Khảo sát một số hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho thấy tại các quầy thịt, thủy sản tươi sống xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Người tiêu dùng VN lâu nay đã quen với thịt bò, thịt gà, thịt heo… Mỹ. Nay đến lượt cua hoàng đế, tôm hùm Alaska, cá hồi… từ Mỹ với giá cao ngất ngưởng so với các sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng nội địa được nhiều người tìm mua.
Chị Thảo Nguyên, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho hay thỉnh thoảng gia đình chị chọn những loại hải sản nhập khẩu như tôm hùm, cá hồi, cua nhập từ Mỹ để thay đổi khẩu vị. “Tôm hùm giá trên 1 triệu đồng/kg nhưng thịt ngon, dai, ngọt, vị cũng lạ nên đáng đồng tiền bát gạo” - chị Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Vinh, chủ cửa hàng bán hải sản ở quận Phú Nhuận, cho biết loại hải sản nhập khẩu tươi sống bán khá chạy vì nhiều người có tâm lý dùng thử cho biết. Ngoài ra, các nhà hàng, khách lẻ mua sản phẩm về tự chế biến cũng khá nhiều. Hiện nay tôm hùm Mỹ loại lớn dao động 1-4 kg/con giá bán khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/kg. Ngoài sản phẩm tươi sống, nhiều nơi còn bán tôm hùm đông lạnh được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ.
Ông Vinh dự báo: “Sắp tới lượng hải sản Mỹ vào VN dự kiến còn nhiều hơn, phong phú chủng loại hơn”.
Những ngày gần đây, hàng loạt công ty, hiệp hội của Mỹ đã khảo sát thị trường và tìm đối tác nhập khẩu tại VN. Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Hiệp hội Xuất khẩu hải sản vùng Đông Bắc Mỹ vừa tổ chức chương trình quảng bá hải sản Mỹ với sự tham gia trực tiếp của các công ty sản xuất, xuất khẩu của nước này. Mục tiêu của chương trình là tìm kiếm các thị trường mới cho hải sản Mỹ như tôm hùm, hào, sò điệp và nhiều mặt hàng khác.
Các quầy thịt, thủy sản xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: HTD
Bà Colleen Coyne, phụ trách chương trình hải sản Hiệp hội Xuất khẩu hải sản vùng Đông Bắc Mỹ, cho biết :“Các doanh nghiệp Mỹ nhận được phản hồi tích cực từ phía các đối tác VN. Các bên đều hy vọng mở rộng cơ hội hợp tác để đẩy mạnh các sản phẩm hải sản Mỹ vào thị trường VN”.
Bà Colleen Coyne nhận định VN đang trở thành thị trường mới nổi về hải sản của Mỹ. Trong bảy tháng đầu năm nay, Mỹ đã xuất 39 triệu USD hàng hải sản vào VN, trong số này mặt hàng tôm hùm Mỹ tăng trưởng rất nhanh.
Không chỉ hải sản, doanh nghiệp Mỹ còn đẩy mạnh việc đưa thịt heo, nội tạng heo vào thị trường nước ta. Trong buổi làm việc tại TP.HCM mới đây, lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ cho biết hiệp hội này đại diện cho 60.000 nông trại của Mỹ đến tìm hiểu thị trường VN với mong muốn xuất khẩu nội tạng heo như lòng, dạ dày… sang thị trường gần 100 triệu dân.
Ông Craig Morris, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiếp thị toàn cầu của Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ, cho hay hiện tại Mỹ đang xuất khẩu loại nội tạng đỏ qua VN như tim, gan, cật với giá trị xuất khẩu khoảng 1 triệu USD (bao gồm thịt vụn xay). Nhưng loại nội tạng trắng như lòng heo hay dạ dày thì vẫn chưa thể xuất khẩu qua VN do chưa được các cơ quan chức năng cho phép. Do đó, phía Mỹ đang tiếp tục đàm phán và tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu loại nội tạng trắng sang VN.
“Sức tiêu thụ thịt heo Mỹ tại VN đang tăng lên. Đặc biệt, trong khi người Mỹ không thích dùng nội tạng heo thì người VN rất ưa chuộng. Mặt khác, ở VN người dân sử dụng loại thịt nóng, tức thịt tươi sau khi giết mổ sẽ được sử dụng ngay. Còn ở Mỹ, người dân sử dụng loại thịt mát, tức thịt bảo quản lạnh sau khi giết mổ. Sự khác biệt này là do truyền thống ẩm thực ở mỗi quốc gia khác nhau” - ông Craig Morris giải thích.
Hàng Việt lo sốt vó
Thịt, nội tạng lẫn hải sản Mỹ nhập vào ngày càng nhiều khiến nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản trong nước lo lắng thu hẹp thị phần, thua trên sân nhà. Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình, cho hay thuế nhập khẩu mà TQ đánh lên heo Mỹ đã tăng mạnh, từ mức 12% lên 62%. Sản lượng heo Mỹ vào TQ vì thế giảm mạnh. Trong khi đó, chuyển dịch thói quen ăn uống tại VN và các thị trường châu Á khác lại mở ra cơ hội mới cho hàng Mỹ.
“Giá thức ăn chăn nuôi ở VN đang cao hơn 20% so với các nước ASEAN, đồng nghĩa với giá thành sản xuất thịt của họ thấp hơn 20%. Nếu so sánh giá bán thịt sau chế biến đến tay người tiêu dùng, theo tôi mức chênh lệch phải hơn 20%. Chưa hết, do quá trình phân phối của ta có quá nhiều khâu trung gian nên giá bị thổi lên gấp đôi. Thế nên dù phải chịu 5%-10% thuế nhập khẩu như hiện nay, giá thịt ngoại vẫn sẽ rẻ hơn” - ông Bình lo lắng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cũng chỉ ra rằng TQ đang đe dọa áp mức thuế 25% lên tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ, sau khi ông Trump tuyên bố đánh tổng mức thuế lên toàn bộ hàng hóa TQ. TQ mua 1/5 lượng tôm hùm xuất khẩu của Mỹ. Vì vậy, hải sản Mỹ đang khai thác mạnh thị trường VN.
Tuy vậy, ông Hòe cho rằng hải sản Việt vẫn có những thế mạnh riêng như chất lượng không thua kém, giá rẻ hơn và nguồn cung ổn định hơn. Ngoài ra, các loại hải sản của Mỹ cũng khác so với VN như tôm hùm Alaska của Mỹ thịt nhiều nhưng không dai, ngọt như tôm hùm biển VN, cua hoàng đế giá cao, còn cua Cà Mau, Bến Tre giá mềm hơn nhiều…
Cảnh giác với hàng tạm nhập tái xuất Xuất khẩu hải sản của Mỹ vào VN từ 8 triệu USD năm 2008 tăng lên 115 triệu USD năm 2017. Với kết quả này, VN đang là thị trường lớn thứ chín của Mỹ về hải sản. Đáng chú ý, ngoài nội tạng thì riêng trong năm 2017, Mỹ xuất khẩu thịt dăm bông tươi, đông lạnh và thịt vai với giá trị hơn 11 triệu USD vào VN. VN là thị trường nhập thịt heo lớn thứ hai của Mỹ tại Đông Nam Á, sau Philippines. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho rằng VN cần có ngay biện pháp ứng phó với chính sách tạm nhập tái xuất, tạo kẽ hở cho hàng TQ núp bóng hàng Việt xuất sang Mỹ. Bên cạnh đó, hải sản, nội tạng, thịt… của Mỹ bị TQ đánh thuế cao cũng có khả năng sẽ lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để nhập vào VN rồi xuất sang TQ. Do vậy nên dựng hàng rào kỹ thuật ngay với nhiều bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đủ mạnh nhằm ngăn chặn nguy cơ này. |