Theo ông Trần Gia Tiến, Phó Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách sau Tết, mỗi toa ghế ngồi cứng được bán thêm 12 ghế phụ, mỗi toa giường nằm và ngồi mềm được bán thêm bảy ghế phụ. Giá vé ghế phụ tuyến Hà Nội-TP.HCM tới 640.000 đồng/vé. Nhưng khi tận mắt chứng kiến những người phải ngồi ghế phụ trên suốt hành trình vào Nam mới thấy hết được cảnh khổ của họ.
Ghế phụ, chất lượng cũng... phụ!
22 giờ ngày 16-2 (mùng 10 Tết), chúng tôi có mặt ở ga Hà Nội để lên tàu SE3 vào TP.HCM. Tại toa số sáu, hành khách đi ghế phụ lố nhố kẻ đứng, người ngồi bệt trên hành lang sàn tàu, đồ đạc vứt la liệt.
Tàu chạy được khoảng 10 phút, một nhân viên tàu soát vé và đưa cho mỗi người đi vé phụ một chiếc ghế nhựa loại nhỏ. “Oạch”! Một thanh niên vừa ghé mông ngồi xuống đã ngã lăn quay. Chiếc ghế bị nứt từ trước không chịu nổi sức nặng nên gãy hết một chân. “Mỗi người phải tự bảo quản ghế của mình đấy, làm hỏng là phải đền 50.000 đồng” - cô nhân viên nói to thông báo cho mọi người.
Hành lang toa giường nằm rộng khoảng sáu tấc, vừa đủ chỗ kê ghế ngồi. Chỉ trong một tiếng đồng hồ tính từ khi tàu chạy, chúng tôi đếm được có tám lần xe bán hàng của nhân viên tàu qua lại. Mỗi lần như vậy hành khách ngồi ghế phụ lại nhốn nháo cầm ghế lùi về khu vực nhà vệ sinh phía hai đầu toa để nhường chỗ cho xe qua. Chưa kể vô số lần người ngồi ở ghế phụ phải đứng dậy, nép mình vào thành tàu nhường lối cho hành khách khác đi lại.
Anh Nguyễn Văn Hòa, cán bộ Viện Quân y 7 (Nha Trang, Khánh Hòa), lẩm bẩm: “Cứ năm phút lại phải đứng lên ngồi xuống như thế này. Không ngồi được, không nằm được, thôi tôi đứng cho yên thân!”.
Đến khoảng 1 giờ sáng, khi người đi lại đã vãn, khách ngồi ghế phụ mới bắt đầu nháo nhác tìm chỗ để ngả lưng. Người thì ngồi dúi vào góc toa tàu gục đầu trên đống hành lý, người thì trải báo nằm ép mình vào thành tàu, có người “trưng dụng” cả khu vực nhà rửa mặt ngả mình xuống sàn ẩm ướt nằm cho đỡ mệt. Nhiều hành khách nữ ngại ngùng việc nằm giữa bàn dân thiên hạ đành ngồi yên trên ghế chịu trận.
Muốn nằm phải chi thêm
Một nhân viên đeo biển tên Nguyễn Xuân Đồng xuất hiện thông báo ai có nhu cầu giường nằm thì gặp anh ta. Một hành khách đi ghế phụ hỏi giá giường nằm qua đêm là bao nhiêu, anh nhân viên ra giá 300.000 đồng để được nằm đến Huế. Sau một hồi kỳ kèo, anh ta hạ xuống còn 200.000 đồng.
Hành khách này nhẩm tính: “Tiền vé đã 540.000 đồng, ngủ một đêm trả cho nhân viên 200.000 đồng nữa thành 750.000 đồng, đắt gấp rưỡi so với giá vé ngồi mềm thường ngày”. Khi chúng tôi hỏi có ghế ngồi mềm không, anh nhân viên ra giá 50.000 đồng/ghế nhưng chỉ được ngồi đến Huế. Thấy chúng tôi tỏ ý chê quãng đường ngắn quá, anh nhân viên bỏ đi.
5 giờ sáng 18-2, tàu về đến ga Sài Gòn sau hành trình 30 tiếng, chậm 30 phút so với lịch trình. Mắt thâm quầng đen sì trên khuôn mặt phờ phạc, cô Nguyễn Thị Thái Hòa - sinh viên Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM khuỵu chân ngay trên sân ga. Đã 30 tiếng cô không được ngả lưng một phút nào. Cô thốt lên: “30 tiếng ngồi ghế phụ, chắc phải về nhà nằm ba ngày mới lại sức để mà đi học được. May mà chịu được về tới ga”.
MAI MINH