Cúm A/H7N9 lan nhanh ở TQ, VN đẩy mạnh phòng chống

Bộ Y tế Việt Nam cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc (TQ) tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và tăng cao so với năm 2013.

Riêng trong hơn một tháng đầu năm 2014, đã ghi nhận 151 trường hợp mắc mới, trong đó có 16 trường hợp tử vong, nhiều hơn so với số tích lũy của cả năm 2013.

cúm A/H7N9, cúm H10N8, gia cầm

Tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, TQ ghi nhận 298 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 63 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết trên mắc là 21%, phần lớn các trường hợp mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

Chính quyền TQ cũng đã xác nhận 2 trường hợp mắc cúm A/H10N8 tại Giang Tây, cả hai đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Chính quyền Đài Loan cũng đã thông báo ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H6N1 đầu tiên ở người.

Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người và gia cầm, tuy nhiên trong tháng 01/2014 đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, cả hai trường hợp đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh.

Trước nguy cơ dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại TQ và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta, đồng thời dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các biện pháp đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm từ gia cầm lây sang người.

Theo đó cần tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng, mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các bệnh viện đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm.

Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người đặc biệt là cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 cho người dân, trong đó lưu ý tới các đối tượng là khách du lịch đi đến những vùng có ổ dịch về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh; khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, thực hiện điều tra ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt gia cầm tại các chợ đầu mối. Lên kế hoạch và tổ chức tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống theo hướng dẫn của ngành thú y nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

Việt Nam: Nhiều người mắc cúm mùa

Thời điểm trước và trong dịp Tết, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm nhưng chỉ là cúm mùa thông thường.

Bộ Y tế VN cho biết hiện nay, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù WHO chưaađưa ra khuyến cáo hạn chế việc đi lại và giao lưu thương mại nhưng đã có khuyến cáo các khách du lịch đến khu vực có ổ dịch không nên tiếp xúc với gia cầm và đến các chợ bán gia cầm sống.

WHO cũng đang tiếp tục theo dõi sự biến chủng của vi rút cúm gia cầm lây bệnh sang người và nguy cơ của sự biến chủng lây truyền từ người sang người.

Theo Cẩm Quyên (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm