Hiện tại khả năng bùng phát dịch cúm gia cầm là rất lớn. Ảnh: HUY HÀ
Mỗi đội cơ động gồm có 10 người. Đồng thời, mỗi quận, huyện cũng sẽ thành lập hai đội, mỗi đội 5 - 7 người. Theo ông Cảm, khi nhận được tin báo có người bị lây bệnh cúm gia cầm trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch để xử lý triệt để.
Nhiệm vụ của các đội là xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm trên người. Cách ly người mắc hoặc nghi nhiễm bệnh. Tư vấn điều trị dự phòng và giám sát những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, với gia cầm bệnh. Đưa người bệnh đi điều trị kịp thời.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trong nước dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát. Trong khi đó dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc cũng có nguy cơ xâm nhập rất lớn. Đây đều là những dịch cúm rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao. Vì thế, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
Ông Phu cho biết Bộ Y tế đã ban hành bốn kịch bản ứng phó với dịch cúm A/H7N9 và đến nay vẫn đúng để áp dụng.
Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng lây nhiễm virus cúm từ gia cầm sang người, người dân không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch. Tuyệt đối không làm thịt gia cầm ốm, bệnh để ăn.
Khi tiếp xúc với gia cầm phải có các phương tiện bảo hộ gồm: găng tay, khẩu trang, ủng và quần áo bảo hộ; tốt nhất nên sử dụng loại khẩu trang y tế 2-3 lớp. Người dân khi giết mổ gia cầm cũng phải đeo găng tay, khẩu trang để phòng bệnh.
Bộ Y tế lưu ý những người có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn thịt gia cầm ốm, chết; nếu có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở phải khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế và đến bệnh viện. Không tự ý uống thuốc Tamiflu vì đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ.
HUY HÀ