Cung cấp IoT cho Pháp, cửa để công ty Việt bắt tay ông lớn toàn cầu không quá khó

(PLO)- Một số doanh nghiệp Việt như LIOA, Điện Quang... đã gia nhập chuỗi cung ứng quốc tế với sản phẩm “Made by Việt Nam”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước dịch COVID-19 những ngành hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam có thể kể đến như gỗ, nội thất, thủ công mỹ nghệ… đã tham gia các chuỗi cung ứng quốc tế. Gần đây Việt Nam cũng đang có sự dịch chuyển khi gia tăng xuất khẩu những mặt hàng thuộc ngành sản xuất công nghệ, điện điện tử. Tuy nhiên, để chen chân vào chuỗi cung ứng của các "ông lớn" ngành công nghệ với nhiều doanh nghiệp (DN) không dễ dàng.

Chia sẻ với Pháp Luật TPHCM, bà Trần Quỳnh Hương, Trưởng phòng tư vấn chuỗi cung ứng của Source of Asia- chuyên kết nối tìm nhà cung cấp Việt Nam, FDI về vấn đề này.

Hướng đến một chuỗi cung ứng “khu vực hóa” thay vì “toàn cầu hóa”

.Phóng viên: Trong vai trò kết nối tìm nhà cung cấp Việt Nam, DN FDI đang tìm kiếm lĩnh vực nào?

+ Bà Trần Quỳnh Hương: Theo số liệu thống kê và xu hướng hiện nay, Việt Nam đang thu hút sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ở các ngành như máy móc, thiết bị điện điện tử, ô tô, cơ khí…Các quốc gia đối tác của Việt Nam vẫn là những thị trường như Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Gần đây, chúng tôi đang hỗ trợ một số DN ngành ô tô ở thị trường Pháp và Mỹ. Họ không chỉ muốn xây dựng nhà máy, phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam mà còn có các dự án mua bán và sáp nhập (M&A), tìm nhà sản xuất OEM, phân phối ô tô tại Việt Nam.

Đáng chú ý, vừa qua chúng tôi đã hỗ trợ một DN FDI Hồng Kông dịch chuyển thành công nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam. Nhà máy sẽ phục vụ sản xuất thiết bị cảm ứng dùng cho ngành ô tô và cơ khí.

doanh nghiệp Việt
Bà Trần Quỳnh Hương, Trưởng phòng tư vấn chuỗi cung ứng của Source of Asia

.Ngành ô tô điện hay xăng của Việt Nam đang được DN FDI quan tâm và vì sao, thưa bà?

+ Xu hướng thị trường hướng đến sản xuất ô tô điện. Tuy nhiên, ô tô điện hay sử dụng xăng đều có một số phụ tùng hay những bộ truyền động, bánh răng cho xe, khung xe…được sản xuất bằng kim loại. Do đó, DN Việt trong ngành gia công kim loại và cơ khí vẫn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa phát triển mạnh nên dòng vốn đầu tư cũng ở mức độ vừa phải. Sau khi xây dựng mạnh lên, miếng bánh thị trường sẽ lớn hơn so với các quốc gia đã có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan, Malaysia.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt có nhu cầu nguồn vốn lớn, nhu cầu về dây chuyền công nghệ, cùng với tỉ lệ sử dụng ô tô ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung ngày càng tăng. Những yếu tố này tạo thành tiềm năng cho các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam để phát triển.

Hơn nữa, xu hướng một số DN hướng đến một chuỗi cung ứng “khu vực hóa” thay vì “toàn cầu hóa” như trước đây.

Chẳng hạn, DN Châu Âu, Mỹ… đặt hàng cho DN Việt sản xuất, sau đó sẽ phân phối ra thị trường Asean. Như vậy họ sẽ tiết kiệm và tối ưu các chi phí logistics đồng thời mở rộng cơ hội phát triển thị trường mới.

Với vị trí địa lý có nhiều lợi thế, Việt Nam đang được xem là một trung tâm sản xuất, phân phối mới cho cả thị trường Đông Nam Á và Châu Á.

DN FDI vừa và nhỏ, miếng bánh tiềm năng cho DN Việt

. Thực tế cho thấy DN Việt cho biết rất khó trở thành nhà cung cấp cho DN FDI nhất là DN Trung Quốc do họ mang cả chuỗi cung ứng sang Việt Nam, bà nhìn nhận gì về ý kiến này?

+ Trong quá trình tiếp xúc với các DN FDI, chúng tôi nhận thấy thị trường thường chia theo các phân khúc. Phân khúc những “ông lớn” như Samsung, Foxconn… thường họ sẽ đi cùng với chuỗi cung ứng có sẵn ở thời gian đầu vì sự tin tưởng cũng như cùng “văn hóa và ngôn ngữ”.

Tuy nhiên, với yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa sản phẩm, DN FDI không thể hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu mà vẫn phải phát triển rộng hơn mạng lưới cung ứng nội địa tại Việt Nam.

Do đó, không phải chúng ta không có cơ hội, nhưng DN Việt sẽ phải chia nhau một miếng bánh khá nhỏ là những nhà cung ứng thứ cấp trong thị trường này.

Vậy đâu là thị trường dành cho DN Việt?

+ DN Việt cần xác định phục vụ đối tượng khách hàng nào để đầu tư và có hướng đầu tư hiệu quả.

Cụ thể, thị trường gồm ba phân khúc là các nhà mua hàng ở quy mô nhỏ, rất nhỏ- mua hàng dưới dạng bán lẻ với số lượng ít nhưng tỉ lệ lặp lại đơn hàng khá cao.

Điển hình, chúng tôi có một số khách hàng đến từ Đức là nhà bán lẻ trên online, bán sản phẩm điện điện tử cho hộ gia đình. Với nhóm khách hàng này, DN Việt có thể tận dụng dây chuyển sản xuất có sẵn. Chỉ cần tập trung vào tối ưu hóa chi phí sản xuất, quan tâm nhiều đến phần đóng gói khi xuất khẩu.

Phân khúc thứ hai là những nhà mua hàng quy mô vừa và nhỏ. Yêu cầu mức độ đầu tư của DN Việt cao hơn so với phân khúc đầu tiên để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cuối cùng, những nhà mua hàng quy mô lớn, ở hình thức tập đoàn công nghệ như Foxconn, Marvel…. Các đối tác này không chỉ yêu cầu DN Việt đáp ứng về số lượng, chất lượng sản phẩm mà phải đạt bộ quy tắc ứng xử như trách nhiệm môi trường, xã hội… Nếu DN Việt nhắm vào phân khúc này chắc chắn tốn nhiều nguồn lực đầu tư.

Theo tôi, chúng ta có thể xét đến phân khúc thứ hai của thị trường ở các DN FDI có quy mô vừa và nhỏ.

Đây là miếng bánh lớn, tiềm năng để DN Việt trở thành nhà cung ứng trực tiếp với giá trị gia tăng cao.

doanh nghiệp Việt
Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu các sản phẩm ngành cơ khí công nghệ số, điện và điện tử năm 2024. Ảnh: P.QUỐC

Hiện tại DN Việt có xu hướng thúc đẩy “Made by Việt Nam” nghĩa là những sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất bởi người Việt và xuất khẩu dưới thương hiệu Việt song song với các sản phẩm “Made in Việt Nam”.

Việt Nam cần có hệ sinh thái sản xuất

.Thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 5.000 DN công nghiệp hỗ trợ trong đó khoảng 100 DN trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho DN FDI. Điều này cho thấy năng lực của DN Việt còn hạn chế?

+ Xét về giá trị của Việt Nam trong một chuỗi cung ứng toàn cầu ở ngành máy móc, thiết bị viễn thông, bảng mạch vị thế của DN Việt có thể xem là khá tích cực.

Tuy nhiên, xét ở các ngành hàng điện điện tử, hay may mặc DN Việt vẫn mới chỉ tham gia ở những công đoạn lắp ráp hoặc cắt may đơn giản, có giá trị gia tăng thấp.

DN FDI có thế mạnh họ đầu tư cả dây chuyền sản xuất, có thương hiệu từ lâu. Trong khi DN nhỏ và vừa Việt Nam chiếm 98%, nhưng chỉ có 36% DN tham gia vào mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu và chỉ cung cấp các phụ tùng nhỏ.

Do đó, hiện tại DN Việt có xu hướng thúc đẩy “Made by Việt Nam” là những sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất bởi người Việt. Xuất khẩu dưới thương hiệu Việt song song với sản phẩm “Made in Việt Nam”.Một số DN Việt như LIOA, Điện Quang đã gia nhập chuỗi cung ứng quốc tế với “Made by Việt Nam”.

Chúng ta có quyền nhìn tích cực hơn sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

.Cơ hội nhiều nhưng thách thức của DN Việt thế nào thưa bà?

+ DN Việt Nam hiện nay đang thiếu ba thứ là: Thông tin, nguồn vốn và hệ sinh thái. Thứ nhất, các DN còn đang lúng túng, chưa cập nhật đúng cũng như liên tục các thông tin của thị trường, dẫn đến chưa tiếp cận được với đầu ra một cách hiệu quả nhất.

Tiếp đến, các DN cũng đang gặp nhiều khó khăn trong huy động và tiếp cận nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực sản xuất của mình.

Cuối cùng về hệ sinh thái- kết nối giữa các DN, cụm DN, các tổ chức đoàn thể để đảm bảo một chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Nếu làm tốt sẽ giúp cho các DN có sự linh động hơn với các yêu cầu mua hàng. Đây là điểm Trung Quốc đang làm rất tốt.

Trong khi hệ sinh thái sản xuất của Việt Nam còn yếu nên khi nhận đơn hàng, DN trước tiên đòi hỏi số lượng vì muốn đảm bảo có thể thu hồi vốn hoặc có lời. Vì vậy, DN Việt chưa thể cạnh tranh được với Trung Quốc.

.Theo bà, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nào cho DN?

+ Bên cạnh các chính sách đã ban hành, Bộ ban ngành cần tổ chức nhiều hơn các buổi đào tạo, hướng dẫn… cho DN.

Đơn giản với Hiệp định EVFTA đến nay nhiều DN Việt lúng túng chưa biết tận dụng cơ hội ra sao. Chưa biết cách xin được C/O mẫu EUR 1, chưa biết cách tính hàm lượng giá trị nội địa… để hưởng ưu đãi thuế.

Xin cảm ơn bà!

DN Việt đã cung cấp sản phẩm IoT cho DN Pháp

Theo đánh giá của chúng tôi, hiện tại DN Việt hoàn toàn có thể sản xuất được những sản phẩm ốc vít từ đơn giản đến phức tạp.

Đặc biệt, gần đây có một dự án về sản phẩm Internet vạn vật (IoT) chúng tôi hỗ trợ tìm nguồn cung ứng cho khách hàng Pháp tại Việt Nam, ban đầu gặp khá nhiều khó khăn.

Cuối cùng, chúng tôi thành công tìm được một cụm các đơn vị sản xuất sản phẩm IoT này. Đây là sự liên kết gồm một DN FDI Nhật Bản và ba DN Việt Nam khác.

Qua đó, DN Việt có thể làm được các sản phẩm công nghệ cao nếu có nguồn nguyên vật liệu, có cụm liên kết giữa các DN trong nước và DN FDI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm