Ngày 2-12, tại Khu Công nghệ (KCN) cao TP.HCM, Công ty cơ khí Duy Khanh khánh thành Nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh -Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP.HCM cho biết, được sự hỗ trợ công nghệ từ Hàn Quốc, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chi tiết máy chính xác bằng công nghệ dập ép bột và thiêu kết-công nghệ sintering.
Đây là lần đầu tiên DN Việt mạnh dạn đầu tư công nghệ sintering để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu do công nghệ này đòi hỏi cơ sở vật chất, nhà xưởng đủ quy mô…nhất là quá trình nghiên cứu công nghệ rất phức tạp.
Theo ông Tống, điểm đặc biệt của công nghệ sintering là sản xuất hàng loạt với giá thành thấp; sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu; có tính thân thiện với môi trường; sản xuất linh kiện của các loại dụng cụ cầm tay, thiết bị điện, linh kiện trong xe máy, ô tô…
Đáng chú ý, các linh kiện này DN có vốn đầu tư nước ngoài hay DN Việt đang sử dụng đều phải mua từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Như vậy, hiện nay các DN có thể mua từ trong nước do công ty Việt Nam sản xuất.
“Nhà máy đầu tư 183 tỉ đồng, với công nghệ sintering đánh dấu mốc quan trọng với ngành cơ khí Việt Nam và là nỗ lực chúng tôi hưởng ứng chương trình Made by Vietnam.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý KCN cao TP.HCM cam kết tạo điều kiện thuận lợi Duy Khanh thực hiện khát vọng trở thành công ty dẫn đầu ngành cơ khí Việt Nam.
Thời gian tới KCN cao sẽ thu hút các ngành điện tử và vi mạch bán dẫn; công nghệ sinh học và các ứng dụng trong những lĩnh vực khác nhau; hàng không vũ trụ trong đó tập trung vào chuỗi cung ứng của tập đoàn Boeing, Airbus tại Việt Nam.
Theo ông Thi, năm 2023 KCN cao thu hút một dự án đầu tư nằm trong chuỗi cung ứng của Boeing. Tại Việt Nam về cơ khí hiện có bảy công ty cung ứng trực tiếp cho Boeing. Riêng tại Khu công nghệ cao TP.HCM có một hệ sinh thái các DN về cơ khí chính xác rất mạnh.
Ban quản lý mong muốn, sắp tới cùng với Cục Công nghiệp, sự hỗ trợ của Thaco, trên 3,5 hecta sẽ hình thành Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp quan trọng ở khu vực phía Nam, góp phần xây dựng hệ thống các DN mạnh về cơ khí tại TP.HCM.
“Chúng tôi kỳ vọng Duy Khanh sẽ trở thành công ty hàng đầu về cơ khí chế tạo máy, tham gia vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn lớn như Boeing”-ông Thi nói.
Theo ông Thi, định hướng phát triển công nghiệp của TP.HCM ngoài phát triển bốn nhóm ngành công nghiệp chủ lực, sẽ phát triển năm ngành công nghiệp mới: điện tử bán dẫn, công nghệ sinh học, dược, các ngành CNHT công nghệ cao…
TP.HCM xác định tập trung phát triển các ngành CNHT công nghệ cao vì đây là yếu tố quyết định nâng tầm ngành công nghiệp Việt Nam.