PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:

Cùng hành động vì lợi ích quốc gia

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy.

“Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị “ba đồng hành, năm hỗ trợ”. Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân phát huy sáng tạo trong cạnh tranh phát triển, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, chất lượng nguồn lực và năng suất lao động của nền kinh tế”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM trước thềm năm mới 2017 về những nhiệm vụ của Chính phủ và giải pháp để DN, người dân cùng hành động đưa kinh tế phát triển trong năm nay.

Hiệu quả cho từng đồng vốn bỏ ra

. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, trong bối cảnh ngân sách cần phải tiết kiệm từng đồng như hiện nay thì vấn đề hiệu quả đầu tư là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ được giải quyết thế nào trong năm mới, khi thời gian qua hàng loạt công trình đầu tư không hiệu quả, làm tiêu hao tiền bạc, thất thoát nguồn lực?

+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020. Chính phủ đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và có những chỉ đạo, quan điểm sắp xếp, đổi mới DNNN cho giai đoạn tới. Trung ương cũng nhận thức rất rõ điều đó. Chúng ta thấy Quốc hội đã đề cập nhiều đến vấn đề này. Những công trình ngàn tỉ đồng còn dang dở, không phát huy hiệu quả, hay nói như người dân “những công trình đắp chiếu”, là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Đối với các dự án thua lỗ, triển khai chậm, Thủ tướng chỉ đạo phải phân tích, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hậu quả thiệt hại và thua lỗ của từng dự án; xác định rõ phạm vi trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong từng dự án và theo từng giai đoạn, từ giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy đến giai đoạn đưa nhà máy vào hoạt động.

Quan điểm của Chính phủ là cùng với việc siết kỷ luật đầu tư công,  việc xử lý nghiêm minh những “địa chỉ lãng phí” trong đầu tư công cũng phải đặt lên trên hết. Bởi lẽ có xử lý nghiêm minh thì mới bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương và chất lượng đầu tư công. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mong muốn của tất cả chúng ta là mọi dự án phải thành công, phát huy hiệu quả.

. Để các dự án thành công, phát huy hiệu quả như ông nói, Chính phủ có những giải pháp cụ thể nào?

+ Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ cấp bách cần triển khai trong thời gian tới. Trước hết là rà soát toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN để có phương án xử lý phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại DNNN.

Rà soát tình hình sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước để xác định và kịp thời xử lý những bộ phận, đơn vị đang sử dụng lãng phí, không tiết kiệm. Cương quyết xử lý, thu hồi diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định pháp luật; sử dụng đất sai quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định.

Rà soát các quyết định đầu tư, góp vốn mở rộng kinh doanh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của DN; không đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước; kiên quyết cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư của các chủ đầu tư và công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc công tác công khai việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Sử dụng đồng vốn đầu tư hiệu quả sẽ tạo ra sức bật rất lớn cho nền kinh tế. Trong ảnh:Thi công tuyến đường metro của TP.HCM đoạn cầu Sài Gòn. Ảnh: HTD

Kiến tạo môi trường kinh doanh cởi mở, bình đẳng

. Một điều cũng khá quan trọng trong kế hoạch này là phải quản lý chặt chẽ vốn sở hữu nhà nước. Thưa Phó Thủ tướng, ông suy nghĩ gì về việc thúc đẩy thành lập một ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN?

+ Việc thành lập cơ quan này đã được quán triệt tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 05 Hội nghị Trung ương 4 và Quốc hội khóa XIV cũng vừa có nghị quyết thống nhất việc thành lập cơ quan này để tập trung thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu thay cho việc phân tán chức năng này ở các bộ, ngành như hiện nay.

Đồng thời cũng là để tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN, sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, UBND đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại DN. Khi như thế, các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt hơn công tác xây dựng chính sách.

Tính toán của các cơ quan chức năng trong Chính phủ cho thấy giá trị tài sản, vốn nhà nước trong các DN hiện nay lên tới hơn 3 triệu tỉ đồng. Đó là một nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý Nhà nước lập ra cơ quan này không phải chỉ để đi kinh doanh vốn. Nếu cơ quan này được thành lập và sớm đi vào hoạt động, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một môi trường đầu tư kinh doanh bài bản, minh bạch, có hiệu quả khi toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước tập trung vào chức năng xây dựng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực và các thành phần kinh tế.

. Phó Thủ tướng có lo ngại sẽ có những lực cản không?

+ Dĩ nhiên sẽ có những lực cản do việc thành lập ủy ban này sẽ làm cho một số nơi phải giảm quyền lực, quyền lợi khi chế độ chủ quản đối với DNNN không còn. Nhưng định hướng của Chính phủ là: Tất cả để phục vụ lợi ích chung của quốc gia.

. Một môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng để tạo ra sự hấp dẫn cho nền kinh tế quốc gia. Sẽ có những đổi mới nào trong năm tới để kiến tạo điều này, thưa ông?

+ Điều quan trọng nhất đối với một nền kinh tế vẫn là môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thể chế minh bạch. Môi trường kinh doanh tốt hơn, thể chế minh bạch hơn thì người dân sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh.

Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là: Nuôi dưỡng, hỗ trợ DN Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới. Đồng thời tăng cường hợp tác liên kết khu vực DN trong nước và khu vực FDI; thúc đẩy các DN tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Sản xuất kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường.

Theo chủ trương này, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và DN như đã hiến định. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế hợp tác, liên kết và cạnh tranh lành mạnh; khuyến khích tinh thần hợp tác, liên kết chuỗi giá trị.

. Trân trọng cám ơn Phó Thủ tướng.

Ba đồng hành và năm hỗ trợ

Ngày 12-10-2016, tại lễ phát động phong trào thi đua “DN Việt Nam hội nhập và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị thực hiện “ba đồng hành, năm hỗ trợ” đối với DN.

Ba đồng hành

1. Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. Đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

3. Đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân. Tiếng nói của DN sẽ được chính quyền các cấp và Thủ tướng Chính phủ lắng nghe thường xuyên và yêu cầu thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.

Năm hỗ trợ

1. Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

2. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động.

3. Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh.

4. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với DN.

5. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm