TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI:

Những việc phải đột vào ngay

Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại, đầu tư quốc tế và sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.

Trong bối cảnh này, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu là chìa khóa của sự phát triển bền vững.

Chính phủ đang triển khai chương trình thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và việc triển khai thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư, trình ra Quốc hội dự luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa là những nỗ lực đáng kể…

Tuy nhiên, để tạo ra bước phát triển đột phá thực sự, tôi đề nghị Chính phủ: Siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và DN. Tất cả phải được tiến hành thường xuyên vì tình hình đang thay đổi hết sức nhanh chóng.

Xây dựng ngay chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng… không phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy quá trình này.

Cùng đó là chuẩn bị tích cực để có thể trình được ra Quốc hội một dự luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh ngay trong kỳ họp tới. Đồng thời trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành theo hướng sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm một cách linh hoạt trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo thực tiễn tốt ở các nước trên thế giới, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong cải cách hành chính, chúng tôi đề nghị triển khai rộng rãi các mô hình và công nghệ cải cách đã thí điểm thành công ở một số địa phương và bộ, ngành. Đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử (như kinh nghiệm của ngành thuế/hải quan). Thực hiện mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công, cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh (mô hình Quảng Ninh). Tăng cường các kênh đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền và DN cả chính thức và không chính thức.

Đặc biệt năm 2017, Hội nghị cấp cao APEC sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Việc tổ chức thật tốt APEC sẽ là một trong những động lực cho phát triển và kết nối.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN:

Loại cán bộ kém, không chờ nhiệm kỳ, tuổi công tác

Năm 2017, Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ được giao theo tinh thần của một chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ và hành động. Theo đó, sẽ kiên quyết sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chế độ công vụ. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ cải cách hành chính nhà nước, tập trung rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính phiền hà, không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, DN. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước...

Về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ sẽ khắc phục những bất hợp lý trong phân công, phân cấp quản lý, quy trình bổ nhiệm..., tình trạng kén chọn vị trí, chức danh. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp.

Bộ Nội vụ cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực thi quyền lực. Từ đó bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế xin-cho, duyệt-cấp. Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm