Ngày 12-12, Bộ Công Thương đã công bố Quyết định số 4846 bãi bỏ 15 thủ tục hành chính (TTHC) và đơn giản hóa 108 thủ tục thuộc phạm vi ngành công thương. Con số này tương đương với gần 28% tổng số thủ tục hiện có của bộ này.
Bộ Công Thương giải thích việc xóa bỏ và đơn giản hóa TTHC lần này nằm trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hướng tới một chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).
“Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành công thương nhiều năm nay” - Bộ Công Thương nhận định.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Đón nhận thông tin trên, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, vui mừng trước việc ngành thép được bãi bỏ nhiều TTHC. Đơn cử như cấp xác nhận kê khai nhập khẩu thép; cấp bản xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép; cấp thông báo kết quả kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu...
Các thủ tục này nằm trong Thông tư liên tịch số 58/2015 đã khiến các DN thép khổ sở và kêu than suốt thời gian qua. “Nhiều công ty thép cho rằng những thủ tục trên là không hợp lý, chịu nhiều sự kiểm tra của các cơ quan, đơn vị khác nhau. Do đó thời gian thông quan kéo dài làm tăng chi phí, ảnh hưởng tiến độ sản xuất của DN” - ông Khương nói.
Theo quy định hiện hành của Thông tư liên tịch số 07/2007 thì DN có chương trình khuyến mãi phải thông báo cho cơ quan quản lý bảy ngày trước khi thực hiện. Quy định này gây nhiều phiền phức cho người kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Điểm Vàng, cho rằng việc khuyến mãi của DN không chỉ nằm trong kế hoạch từng năm, từng quý mà nó có thể phát sinh tùy vào tình hình thị trường. Có những lúc công ty phải lên kế hoạch, triển khai trong hệ thống chương trình giảm giá, tặng quà chỉ trong vòng ba ngày. Thế nên yêu cầu nộp thông báo chương trình khuyến mãi như trên là bất khả thi.
Có đến 15 thủ tục về xăng dầu được đơn giản hóa. Trong ảnh: Người dân đổ xăng tại một cửa hàng bán xăng dầu ở quận Tân Bình (TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Trước những vướng mắc trên, Bộ Công Thương đã quyết định đơn giản thủ tục này, chỉ yêu cầu DN nộp thông báo trước khi thực hiện khuyến mãi, không cố định bảy ngày nữa. Bộ này cũng cam kết sẽ làm rõ các cách nộp thông báo bằng hồ sơ trực tiếp, qua bưu điện hay nộp trực tuyến để DN được chọn cách nộp tiện lợi nhất.
Liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sửa đổi quy định về mua bán hàng hóa theo hướng DN đầu tư nước ngoài không phải làm thủ tục xin quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu nữa. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài cũng có quyền bán buôn các mặt hàng là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương quyết định bãi bỏ bản chính hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây là thủ tục khiến các công ty xuất khẩu gạo bức xúc trong nhiều năm qua.
Lắng nghe, tiếp tục sửa đổi
Một số DN cho rằng việc cắt giảm và đơn giản thủ tục của Bộ Công Thương là tín hiệu vui nhưng việc bãi bỏ, đơn giản hóa TTHC cần làm triệt để hơn, tránh cắt đầu này, bày thêm đầu nọ.
Đơn cử khi đưa ra dự thảo nghị định thay thế Nghị định 94/2012 về kinh doanh rượu, Bộ Công Thương lại “cài” vào đấy một số điều kiện kinh doanh, thủ tục khác. Ví dụ, muốn xin giấy phép phân phối, bán buôn rượu thì phải có địa điểm trưng bày trên 30 m2; phải có diện tích tối thiểu đối với kho hàng… Đây là điều kiện không có trong quy định hiện hành.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt vấn đề: “Không rõ mục tiêu chính sách khi đặt ra yêu cầu về diện tích tối thiểu đối với kho hàng. Nếu không có kho hàng 150 m2 thì hoạt động của nhà phân phối rượu ảnh hưởng gì tới các lợi ích công cộng mà Nhà nước cần quản lý? Nhà nước không cần thiết phải đặt ra yêu cầu này đối với DN”.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận hiện quản lý tới 443 TTHC tại 19 lĩnh vực thì những nỗ lực cải cách trên là chưa đủ. Do đó, Bộ cam kết sẽ tiếp tục rà soát, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các TTHC. Qua đó để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định, TTHC của ngành cho phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân.
Đã bỏ, sửa hàng loạt thủ tục Trước khi ban hành Quyết định 4846, Bộ Công Thương đã bãi bỏ việc kiểm tra formaldehyde và amin thơm đối với hàng dệt may; sửa đổi danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng... Trong đó, việc kiểm tra formaldehyde và amin thơm đối với hàng dệt may là thủ tục bị kêu ca nhiều nhất trong vòng hai năm qua. Đại diện Công ty Giày Chingluh tại tỉnh Long An, gia công giày cho hãng Nike, từng kêu than rằng mỗi tháng tốn đến 40-50 triệu đồng cho việc đưa mẫu vải đi kiểm nghiệm coi đạt chuẩn về hàm lượng formaldehyde hay không. Đáng nói là nguồn nguyên liệu đầu vào đều được các bên chỉ định, đạt chuẩn và sản phẩm đầu ra cũng phải đạt chuẩn của Nike thì việc kiểm tra tại Việt Nam chỉ khiến DN tốn kém mà không có giá trị gì. Cam kết đi đầu trong cải cách hành chính Tại hội nghị về cải cách hành chính ngày 13-12, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Trần Hữu Linh khẳng định Bộ cố gắng phấn đấu đạt tốp 10 về chỉ số xếp hạng cải cách hành chính trong các bộ, ngành. “Trong thời gian tới sẽ công khai, minh bạch và hiện đại hóa TTHC trên cổng thông tin điện tử của Bộ; loại bỏ việc đưa ra các điều kiện kinh doanh theo quy mô kinh doanh hoặc các điều kiện mang tính phân biệt đối xử giữa DN lớn và DN nhỏ… Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng quy chế thu hút và sử dụng người có tài vào làm việc tại Bộ Công Thương” - ông Linh cho biết. ___________________________________ 123 TTHC được bộ trưởng Công Thương đơn giản hóa và xóa bỏ gồm: Bãi bỏ năm thủ tục liên quan đến nhập khẩu thép, đơn giản 19 thủ tục về rượu, 18 thủ tục về kinh doanh gas, 15 thủ tục về xăng dầu, 12 thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm… |