Cùng một vụ, thẩm phán không được xử hai lần

Theo hồ sơ, năm 2012 vợ chồng bà Đỉnh khởi kiện bà Ngừng (là mẹ ruột của bà Đỉnh) đòi lại nhà, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tọa lạc tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa. TAND huyện Tây Hòa xử sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn. Sau đó bà Ngừng kháng cáo, đồng thời VKS huyện Tây Hòa kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm. Xử phúc thẩm tháng 6-2012, TAND tỉnh Phú Yên đã hủy án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết lại vụ án, vợ chồng bà Đỉnh rút đơn khởi kiện nên ngày 21-9-2012 TAND huyện Tây Hòa đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Vụ án tưởng như đã khép lại. Thế nhưng ngày 1-10-2012 bà Ngừng lại có đơn khởi kiện đòi vợ chồng bà Đỉnh trả lại 2.456 m2 đất tọa lạc tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa (lúc này bà Ngừng là nguyên đơn, vợ chồng bà Đỉnh là bị đơn). TAND huyện Tây Hòa thụ lý và thẩm phán đã giải quyết vụ án lần trước (khi đó nguyên đơn là vợ chồng bà Đỉnh, bị đơn là bà Ngừng) tiếp tục làm chủ tọa phiên tòa xử sơ thẩm, chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Theo HĐXX phúc thẩm, việc thẩm phán tham gia giải quyết hai lần như vậy là vi phạm tố tụng. Theo khoản 3 Điều 47 BLTTDS và khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 03 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán, hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm… trong vụ án đó.

Trong vụ án này, tuy địa vị tố tụng có thay đổi, nguyên đơn trở thành bị đơn và ngược lại nhưng đối tượng tranh chấp vẫn là một (là tài sản gắn liền quyền sử dụng đất tọa lạc tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên). Lẽ ra thẩm phán đã ra quyết định đình chỉ vụ án trước đây phải từ chối tham gia giải quyết vụ án sau này nhưng TAND huyện Tây Hòa lại quên quy định này. Hơn nữa, về nội dụng vụ án cũng có nhiều vấn đề cần điều tra làm rõ.

Từ đó TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm