Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển: 'Còn sức khỏe thì còn bám biển, vươn khơi'

(PLO)- Những ngư dân Ninh Thuận dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, mọi nguồn thu đều trông vào biển, thế nhưng họ chưa bao giờ có suy nghĩ vì thế mà từ bỏ nghề biển.

Chiều 14-6, trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức đang diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận, Ban Tổ chức chương trình đã đến thăm hỏi, động viên ba gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên để mưu sinh, luôn tuân thủ tốt việc đánh bắt hải sản trên biển.

Đoàn đến thăm các gia đình ngư dân gồm nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ và Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Thường trực (thứ 2 từ trái qua); ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ 4 từ phải qua); ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận (thứ 5 từ phải qua), Đại sứ Chương trình - Hoa Hậu Trái đất Nguyễn Phương Khánh (bìa trái), cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và Ban tổ chức Chương trình thăm hỏi, trao quà tặng cho ngư dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đi cùng đoàn còn có ông Lê Thanh Chiến, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ NN&PTNT; Trưởng ban công tác phía Nam Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Võ Văn Thiện; ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cùng các sở, ban ngành; Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh - đại sứ chương trình...

Đoàn đã đến thăm gia đình ngư dân Nguyễn Văn Công, ngư dân Nguyễn Văn Ngộ và gia đình ngư dân Nguyễn Văn Sang (cùng ngụ phường Đông Hải, TP Phan Rang).

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trò chuyện với ngư dân Nguyễn Văn Công. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Vui buồn của gia đình phụ thuộc vào biển cả

Ngư dân Nguyễn Văn Công, 36 tuổi, ngụ khu phố 9, cho biết anh đã gắn bó với nghề biển từ năm 12 tuổi. Gia đình anh có năm anh em, đều bám biển mà sống. Căn nhà vợ chồng anh đang sinh sống cùng hai con, chỉ được lợp bằng bốn tấm tôn mỏng, kê thêm chiếc giường để nghỉ ngơi.

24 năm làm nghề, anh Công vẫn chưa thể dựng lại căn nhà cho vợ con. Biển cả vô chừng, nguồn thu từ biển chỉ đủ để anh trang trải chi phí trong ngày. Bốn năm trước, vợ chồng anh Công tằn tiện lắm mới dư được 40-50 triệu đồng, đủ mua được chiếc ghe nhỏ để ra khơi. Vui buồn của cả gia đình anh Công phụ thuộc vào biển cả.

“Hôm nào biển êm, anh em ra khơi thu được nhiều thì cùng vui theo. Còn hôm nào trở gió, thất thu thì thấy buồn. Bởi đánh bắt không được nhiều thì cũng không đủ lo cho vợ con” - anh Công tâm sự.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy (giữa) cùng Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước thăm hỏi ngư dân Nguyễn Văn Công và giới thiệu nội dung cuốn cẩm nang "Những điều cần biết khi đánh bắt hải sản". Ảnh: NHẬT DIỄM

Dù vậy, chưa bao giờ anh Công có suy nghĩ sẽ từ bỏ nghề biển. Thấy gia đình khó khăn, chính quyền muốn hỗ trợ anh dựng lại căn nhà mới nhưng anh Công từ chối.

Ông Đỗ Văn Phúc, Trưởng ban công tác mặt trận khu phố 9 chia sẻ, dù gia cảnh khó khăn nhưng anh Công luôn có ý chí phải vươn lên. “Cậu ấy bảo mình còn trẻ, còn sức thì còn cố gắng làm để chăm lo cho gia đình. Chừng nào gia đình bế tắc quá thì Công nói lúc đó mới xin hỗ trợ”- ông Phúc đứng kế bên góp lời.

“Tôi nghĩ mình còn trẻ, còn có sức để làm việc. Vì vậy những phần hỗ trợ đó có thể dành cho gia đình còn khó khăn hơn, như vậy sẽ thêm ý nghĩa. Hoàn cảnh mình cũng khó nhưng còn nhiều người khó hơn” ­- anh Công tâm tình.

Mong mỏi lớn nhất của anh Công bây giờ là mùa màng bội thu, để anh an tâm ra khơi đánh bắt, cải thiện thu nhập gia đình. “Dù gì tôi cũng quyết bám biển”- anh nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình (giữa); ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ 2 từ trái qua), Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước (thứ 3 từ trải qua), cùng đoàn đến thăm, tặng quà gia đình ngư dân Nguyễn Văn Ngộ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngộ có với nhau bốn người con. Nghề biển là sinh kế chính của hai vợ chồng ông để nuôi con lớn khôn thành người. Ở tuổi 63, ông Ngộ vẫn ngày ngày xem thời tiết để ra khơi đánh bắt. Căn nhà mà vợ chồng ông đang ở được xây chắp vá đến 5-6 lần, trong hơn 10 năm tích góp nhờ nghề biển.

“Xây cái nhà mà hơn 10 năm mới xong được như vậy. Mỗi lần gom góp được chút đỉnh, tụi tui lại cất thêm cái bếp hay khoảnh sân, rồi lợp mái che, mãi cũng có cái nhà tươm tất” - bà Nguyễn Thị Lảnh, 53 tuổi, vợ ông Ngộ xúc động.

Vợ chồng ông bà vẫn mưu sinh bằng nghề biển, phần để có chi phí sinh hoạt, phần để nuôi thêm hai đứa cháu ngoại đang tuổi ăn tuổi học vì thiếu thốn tình cha. Còn mẹ của hai em vào TP.HCM kiếm việc làm để phụ hai ông bà lo cho cháu.

Vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Ngộ nói nghề biển là sinh kế chính của hai vợ chồng ông để nuôi con lớn khôn thành người. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ngày trước, khi biển còn trù phú, thu nhập của hai vợ chồng ông cũng trang trải được nhiều. Vậy nhưng kể từ sau dịch COVID-19, đời sống hai vợ chồng ông bấp bênh. Ông Ngộ cũng thiếu các trang thiết bị để đi biển như thiếu ánh sáng, thiếu dụng cụ, thiếu thuốc men…

Hiện, cả gia đình trông chờ vào chiếc ghe nhỏ của ông. Mỗi chuyến đi thuận buồm xuôi gió, ông kiếm 400-500.000/ngày; còn ngày nào không thuận lợi thì… không có thu. Từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng khiến chi phí cho mỗi lần đi biển cũng tăng theo, ông Ngộ càng chật vật để kiếm sống.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình động viên các gia đình ngư dân cố gắng vươn khơi, bám biển. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trước, ông cũng có bạn thuyền đi cùng nhưng sau này họ có vốn, tách ra riêng để làm. Những ngày biển động, vợ chồng ông Ngộ đi kích điện tôm ở dưới sông từ 23 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau về nhà. Mỗi đêm, ông bà kiếm được vài trăm nghìn để mua thêm lon sữa, đóng học phí cho hai cháu.

Cứ như thế, vợ chồng ông cùng dìu dắt hai cháu đi qua những ngày thiếu thốn. “Còn khoẻ thì còn làm được, còn đi biển được ngày nào hay ngày đó”- ông Ngộ tâm sự.

Từng có một chiếc ghe lớn để mưu sinh trong suốt hơn 15 năm qua, ngư dân Nguyễn Văn Sang cho hay đã đành phải bán đi hồi cuối năm ngoái do ảnh hưởng của dịch. Ngư trường ngày càng thu hẹp, nguồn hải sản không còn phong phú như trước, anh chỉ đầu tư một chiếc ghe nhỏ để bám biển. Ước mong của anh Sang là có đủ vốn, sắm tàu lớn để gầy dựng lại nghiệp biển.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình gửi những phần quà tới ngư dân Nguyễn Văn Sang. Ảnh: NHẬT DIỄM

Bám biển vươn khơi đúng luật

Thăm hỏi và chia sẻ với gia đình ngư dân, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, đã động viên các ngư dân cố gắng bám biển đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế; cố gắng tăng công suất tàu lớn, vươn khơi xa vừa để tăng thu nhập, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước chia sẻ thêm, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được thực hiện với mục tiêu tuyên truyền cho ngư dân bám biển hiểu đúng luật về đánh bắt trên biển, làm sao để có thể sớm gỡ được thẻ vàng IUU.

Báo cũng đã tặng 200 phần quà tại mỗi tỉnh cho ngư dân. Trong đó, bình ắc quy để giữ máy định vị khi đánh bắt dài ngày trên biển, túi thuốc dùng trên biển gồm hướng dẫn đi kèm, cuốn cẩm nang luật biển sẽ giúp ngư dân hiểu rõ quy định loại hải sản nào được đánh bắt, khi gặp sự cố thì xử lý ra sao, cùng một chiếc áo phao cứu hộ…

Dịp này nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng tặng thêm phần quà là dầu gió cho các ngư dân đi biển.

Đồng hành cùng chương trình, Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh, cho biết bản thân cô thấy rất vui khi được trực tiếp trao những phần quà để động viên ngư dân bám biển.

“Tôi hy vọng những phần quà là sự động viên để các ngư dân tin tưởng rằng mình luôn luôn được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành và cả người dân ở nhiều nơi khác, để ngư dân vững tâm, vươn khơi bám biển dài ngày” - hoa hậu Phương Khánh chia sẻ.

Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao tặng 200 bộ quà tặng (gồm: Bình ăcquy + đèn LED + một phao cứu hộ + túi thuốc với những loại thuốc cần thiết, cùng cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” do báo Pháp Luật TP.HCM chủ biên) cho ngư dân địa phương.

Ngoài ra, chương trình và tỉnh Ninh Thuận cũng dành tặng 30 suất học bổng (3 triệu đồng/suất), cùng nhiều sách tập, thực phẩm dinh dưỡng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.

Trước đó, vào ngày 13-6, Chương trình cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Ngọc Minh tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.000 người dân ở hai xã Cà Ná và Phước Diêm, huyện Thuận Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới