Cuộc hội ngộ 40 năm của những cựu binh đồn Pò Hèn

Cuộc chiến bảo vệ biên giới đã lùi xa nhưng trong ký ức những cựu binh Đồn biên phòng Pò Hèn (đồn Công an nhân dân vũ trang 209) thời khắc chiến đấu 40 năm trước vẫn hiển hiện. Trong cuộc chiến ấy, 45 người lính quân hàm xanh đã ra đi mãi mãi để gìn giữ đất quê hương.

Hồi ức Pò Hèn

Căn nhà ông Hoàng Văn Lý (68 tuổi) nằm mặt tiền con phố lớn ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) chiều 16-2 chộn rộn tiếng cười. Ngày mai kỷ niệm 40 năm ngày những đồng đội đã ngã xuống tại đồn Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) sáng 17-2-1979 nên chiều nay những cựu binh mang quân hàm xanh tề tựu về đây tổ chức kỷ niệm. Đã nhiều năm nay, trước ngày kỷ niệm những đồng đội cũ đều tề tựu về đây.

Cựu binh Hoàng Như Lý thắp nhang tưởng niệm những đồng đội đã hi sinh. Ảnh: ĐỖ HOÀNG 

Ông Lý đóng bộ trang phục của người lính quân hàm xanh, tất bật ra vào bắt tay, trò chuyện với những người đồng đội cũ. Những cái bắt tay thắt chặt tình đồng đội, các cựu binh lại hồi ức về trận đánh năm ấy. Ông Lý vẫn nhớ như in trận chiến Pò Hèn 40 năm trước. Từ sau tết năm 1979, tình hình khu vực Pò Hèn đã khá căng thẳng, phía bên kia biên giới những đoàn xe quân sự liên tục đưa quân ra vùng biên.

Chiều 16-2-1979, Đồn biên phòng Pò Hèn tổ chức giao lưu bóng chuyền, nhiều đồng đội từ các trạm kiểm soát nằm rải rác về đồn bộ tham gia. Anh Bùi Hữu Liễn, Trạm trưởng Bắc Phong Sinh về đồn bộ chơi bóng rồi ngủ lại đồn để hôm sau đánh giao hữu với công nhân lâm trường. Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên thương nghiệp Hải Ninh lên thăm người yêu cũng ở lại đồn. Nhưng trận bóng giao hữu ngày hôm sau đã không diễn ra, các anh chị cũng mãi không trở về.

Từ rạng sáng, những người lính biên phòng Pò Hèn đã phát hiện hàng nghìn lính Trung Quốc bao vây kín khu vực đồn nằm ở lưng chừng núi. Chừng 5 giờ sáng, hàng loạt tiếng pháo cối phát nổ. Từ những quả đồi bên kia biên giới hàng loạt đạn pháo oanh tạc về phía đồn biên phòng Pò Hèn. Đồn trưởng đi công tác, Đồn phó Đỗ Sĩ Hoạ và Chính trị viên Phạm Xuân Tảo chỉ huy đồng đội vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Sau chừng nửa giờ pháo kích, hàng nghìn lính bộ binh Trung Quốc áo lên bao vây áp sát đồn biên phòng Pò Hèn. Theo lệnh chỉ huy, những người lính quân hàm xanh Pò Hèn vào các vị trí trọng yếu bắn chặn ngăn quân địch. Nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch, những người lính biên phòng Pò Hèn lần lượt ngã xuống. Sau một hồi đạn pháo của địch, chuẩn uý trinh sát Hoàng Như Lý ngất lịm. Tới trưa cùng ngày, khi ông tỉnh lại thì tiếng súng đã ngưng, Đồng đội đã ngã xuống, quân địch đã chiếm được đồn. Ông Lý bị bắt làm tù binh phải đến giữa năm 1979 mới được trao trả.

Ông Lê Văn Thứ, chiến sĩ trạm cửa khẩu Pò Hèn, nhớ lại cả trạm của ông cả thảy có 8 cán bộ chiến sĩ. Rạng sáng hôm đó, ông và đồng đội phát hiện quân Trung Quốc đã vây kín xung quanh. Ông Thứ cùng mọi người mang theo súng CKC nhảy xuống hào đánh trả quân địch. Sau hàng giờ chiến đấu ác liệt, 5 đồng đội trạm Pò Hèn hi sinh. Các ông dựa theo địa thế đồi quế, vừa đánh vừa men lên đồi, đến hôm sau mới thoát khỏi vòng vây quân địch.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Hải Sơn, rạng sáng ngày 17-2-1979, tại Đồn 209, địch dùng các loại hỏa lực súng cối 120 ly, 82 ly bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đấu của đồn. Sau khoảng 30’ pháo kích, khoảng 2.000 lính bộ binh của địch tràn sang. Đồn biên phòng Pò Hèn có 45 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc. Hàng chục cán bộ thương nghiệp, lâm trường Hải Sơn cũng ngã xuống cùng những người lính biên phòng.

Chiến địa hồi sinh

Trên nền mảnh đất Đồn biên phòng 209 bị địch bắn phá tan hoang năm xưa đã được xây dựng một Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đài tưởng niệm Pò Hèn với tượng đài cao sừng sững đã được xây dựng từ năm 2014 để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến 40 năm trước.

Sáng 17-2, dưới trời mưa tầm tã, hàng trăm đồng đội, nhân dân tập trung về đây thắp lên nén nhang tưởng niệm những người đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biên giới. Nhiều cựu binh đứng lặng trước bia tưởng niệm hồi ức về những đồng đội đã hi sinh. Trong số ấy có một phụ nữ mặc áo lính lặng lẽ cắm những bông hoa lên ban thờ cho những người đã khuất. Đó là bà Nguyễn Thị Thê (61 tuổi), cựu thanh niên xung phong ở Pò Hèn năm xưa.

Chỉ vào cái tên chiến sĩ Vũ Trọng Hiên (quê Quảng Yên, Quảng Ninh), bà Thê nghẹn ngào “Đây là người chồng cô, chú ấy đã hi sinh khi cô đang mang giọt máu của chú ấy”. Cuối năm 1978, bà Thê và ông Hiên báo cáo tổ chức được Đồn biên phòng 209 tổ chức một lễ cưới nho nhỏ, dự định sau tết sẽ nghỉ phép về gia đình làm lễ cưới. Nhưng trận chiến sáng 17-2-1979 đã cướp đi người chồng của bà.

Bà Nguyễn Thị Thê cắm hoa lên ban thờ tưởng niệm chồng và những đồng đội đã hi sinh. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Cũng trong sáng hôm ấy, bà Thê và nhiều đồng đội TNXP bị quân Trung Quốc bắt đưa về bên kia biên giới. “Tám ngày sau, chúng tôi được thả về. Tôi băng con dốc lên đồn biên phòng thì đồn đã bị bắn phá tan hoang. Những người lính vào tiếp quản cho biết chồng tôi và những đồng đội khác đã hi sinh” – bà Thê nói. Sau cuộc chiến ấy, bà Thê được điều chuyển về lâm trường Hoành Bồ, cuối năm ấy bà sinh được người con trai. Anh Vũ Trọng Hùng, con trai bà hôm nay đưa mẹ về vùng chiến địa năm xưa tưởng niệm cha và các đồng đội.

Trung tá Nguyễn Thành Lê, Đồn trưởng Đồn biên Phòng Pò Hèn cho hay Đài tưởng niệm này là nơi mà 40 năm trước đã diễn ra sự kiện lịch sử đẫm máu đào của cán bộ chiến sĩ biên phòng 209, của cán bộ lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp. “Sự hy sinh ấy mãi là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo để bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, xây dựng quê hương giàu đẹp” – Trung tá Lê nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới