Nhưng khi được đưa ra công an phường để làm các thủ tục tố tụng cần thiết thì Nghĩa đã khai không sót một chi tiết nào...
Một việc quan trọng nữa mà trong cuộc họp đưa ra, đó là phải truy tìm cho ra tung tích nạn nhân. Nếu không tìm được danh tính nạn nhân này là ai thì không thể tìm ra được mối quan hệ xã hội của họ, và như vậy việc truy tìm thủ phạm sẽ càng khó khăn.
Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, các thành viên trong Ban chuyên án đều nhất trí nhận xét:
Thứ nhất, nạn nhân không thể là người sống trong tòa nhà này bởi sau khi rà soát thì tất cả các hộ gia đình trong tòa nhà đều không có người mất tích. Như vậy nạn nhân sẽ phải là người ở nơi khác đến.
Thứ hai, nạn nhân chắc chắn là người thành phố và không phải lao động chân tay vì móng chân của nạn nhân có vẽ hoa văn và những hoa văn này mới được vẽ.
Cũng trong ngày hôm đó, phòng CSHS phối hợp với Công an các quận, huyện trong toàn thành phố rà soát lại các đơn báo mất tích. Phải nói đây là một việc làm cực kỳ khó khăn, bởi lẽ trong thời gian gần đây, ngày nào các đơn vị Công an TP Hà Nội từ cấp phường đến quận, huyện và Phòng CSHS cũng nhận được đơn của các gia đình báo có con bị mất tích.
Thông thường sau các lá đơn này gửi lên thì chỉ sau vài ba ngày đến một tuần thì những người bị báo là mất tích chủ yếu là đám thanh thiếu niên ở lứa tuổi teen bỏ nhà bỏ cửa ra đi đã quay về. Còn với Công an, chỉ đủ sức truy tìm những vụ nào thấy rất nghiêm trọng, chứ nếu đơn nào cũng phải đi tìm thì chỉ riêng phòng CSHS, có lẽ phải lập hẳn một đội " tìm trẻ... lạc", với quân số khoảng... dăm chục!
21h ngày 17/5, tại Công an phường Trung Hòa có một người đàn ông nom khắc khổ đến trình báo. Ông nói là mình đi tìm con đã đi từ ngày mùng 4/5 đến bây giờ chưa về.
Sau khi nghe ông tả lại về hình dáng con và những dấu vết thì các trinh sát, các cán bộ điều tra của PC14 thấy ngờ ngợ. Ông cũng nói nghi vấn của mình với anh em công an và cung cấp cho cán bộ điều tra số điện thoại của Linh. Không khó khăn lắm, với sự trợ giúp của Tổng đài Mobifone, các điều tra viên có ngay danh sách những cuộc gọi đi gọi đến trong những ngày trước đó và cho đến khi máy hoàn toàn ngắt sóng và vị trí cột sóng mà số điện thoại đó liên lạc cuộc gọi cuối cùng là tại nhà G4.
Căn cứ theo đặc điểm của nạn nhân cùng với những đặc điểm về những nét hoa văn trên móng chân người chết thì các cán bộ điều tra có thể nghĩ đến nạn nhân là Linh như người nhà trình bày.
Nhưng với những thông tin như vậy thì vẫn chưa đủ để đi đến kết luận cuối cùng. Để chắc chắn hơn nữa, các cán bộ điều tra đã tìm gặp một số bạn bè thân của Linh. Thông qua một người bạn của cô, anh em đã tìm gặp được người thường xuyên sơn móng chân móng tay cho Linh và người đó đã kể lại chi tiết là đã sơn móng chân cho Linh theo kiểu như thế nào. Những điều người thợ đó kể cũng trùng hợp với hoa văn trên móng chân của nạn nhân. Gia đình lại cung cấp cho Cơ quan Công an biển số xe của Linh là 30F3-0895. Đối chiếu với danh sách những xe đã gửi ở dưới bảo vệ trong ngày mùng 3 và 4. Nhưng chiếc xe này đã được lấy ra vào sáng ngày 5/5, cuống vé xe bảo vệ vẫn giữ.
Như vậy hàng loạt dữ kiện cho thấy nhận dạng của gia đình về tầm vóc của Linh, hoa văn trên móng chân, rồi cộng với chiếc vé xe nữa, các cán bộ điều tra có thể khẳng định được rằng Linh đã có mặt tại nhà G4 từ 13h30’ ngày 4/5.
Hiệu cầm đồ nơi tên Nghĩa cầm chiếc xe của nạn nhân
Cũng qua căn cứ vào danh sách các cuộc gọi điện thoại từ máy của Linh, được Tổng đài Mobifone cung cấp, các điều tra viên phát hiện vào lúc 9h30’ ngày 4/5 đã có 1 cuộc điện thoại gọi cho nạn nhân. Khi kiểm tra lại thì thấy rằng, cuộc điện thoại này gọi đến cho Linh là một người đàn ông. Rồi đến 12h29’ ngày 4/5 lại có một cuộc điện thoại từ số máy đó gọi tiếp vào máy Linh, lúc này Linh đang ở nhà. Đến 13h30’ cũng có một cuộc gọi đến máy của Linh nhưng lúc này Linh đang ở Trung Yên và mất liên lạc vào lúc 0h17’ đêm hôm đó.
Sau khi đưa cho gia đình xem số điện thoại gọi đến cho Linh thì gia đình cho biết đây là số điện thoại của Nghĩa vốn là bạn học cùng lớp với Linh và trước đây hai người đã có thời gian yêu nhau. Nhưng qua xác minh thì thấy ở tòa nhà G4 không có ai tên là Nghĩa.
Sau khi rà soát lại và kiểm tra, các điều tra viên phát hiện ra là ở phòng 1101, chủ hộ là Hoàng Thị Yến có người yêu tên là Nghĩa. Yến quê ở Đông Triều (Quảng Ninh), được gia đình mua cho căn hộ này và bà nội của Yến được gia đình nhờ cậy lên Hà Nội để trông nom cháu. Gia đình Linh đã mô tả Nghĩa là một người đàn ông đẹp trai, đeo kính cận cỡ phải 5 đến 7 đi-ốp, nói năng nhỏ nhẹ và ngoan ngoãn.
Những người hàng xóm láng giềng của Yến cũng mô tả về hình dáng người yêu của Yến, một anh chàng người đậm, đeo kính cận, tóc cắt cua. Như vậy, theo tìm hiểu lại thì gia đình Yến về quê cùng với bà từ ngày 23/4 tức ngày mùng 10/3 âm lịch, đó là ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Sở dĩ Yến về quê dài ngày như vậy là do sinh viên đại học được nghỉ từ 23/4 cho đến 4/5.
Sau khi nhận định thủ phạm có thể là Nghĩa, Ban Chuyên án quyết định lập 3 tổ: 1 tổ đi Hải Phòng xác định thân nhân Nghĩa. Tổ thứ 2 rà soát mối quan hệ của Nghĩa ở Hải Phòng - Thái Nguyên - Thái Bình - Hà Nội. Và tổ thứ 3 dựng nên các mối quan hệ của Linh, vì không loại trừ Nghĩa không phải là thủ phạm, mà là người khác thì sao. Là người giao du rộng, lại có nhiều bạn trai, cho nên việc xác minh những "bạn thân nhất" của Linh cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, một số người bạn đã nhanh chóng được gạt ra khỏi "tầm ngắm" bởi những chứng cứ ngoại phạm, cũng như tính chất quan hệ. Và tất cả sự nghi vấn dồn vào một người, đó là Nguyễn Đức Nghĩa.
Theo Nguyễn Như Phong (ANTG)