Cứ tết đến, đường phố Sài Gòn lại vắng hiu vắng hắt, khác hẳn vẻ nhộn nhịp của ngày thường. Nhiều tuyến phố gần như trống trơn, đơn giản bởi có lẽ đến hơn một nửa dân số rút khỏi thành phố, về quê ăn tết.
Điều trớ trêu là trong khi dòng người lũ lượt tỏa về các vùng quê thì tôi lại lặn lội từ Huế vào Sài Gòn ăn tết. Hai con gái tôi đang định cư ở đây và thói đời, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Sau khi lấy chồng, có con, chúng không về thăm mình được thì mình phải vào ăn tết với chúng. Và đấy là lý do tôi “ngược” đám đông vào Sài Gòn ăn tết.
Bắt gặp một Sài Gòn ngái ngủ
Sáng mùng một cái tết đầu tiên ở Sài Gòn, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy Sài Gòn vắng hiu vắng hắt. Mới hôm qua dòng người vẫn đang tấp nập, ồn ào chen nhau từng nửa bánh xe, sáng nay đường đã thênh thang, vắng lặng. Lâu lắm mới thấy một Sài Gòn như vẫn đang ngái ngủ lúc 6 giờ sáng.
Tôi tới quán cà phê cóc dưới gốc bàng ngay chếch chung cư. Một bác xe ôm đã ngồi đấy từ bao giờ. Ly cà phê đá đã hết màu cà phê, chị chủ quán thi thoảng lại thêm cục đá, bác xe ôm chỉ việc rót bình trà trên bàn vào là thành ly trà đá. Tự nhiên nổi hứng, tôi dốc cạn ly cà phê rồi nói nhanh với bác xe ôm: “Mình đi!”.
Bác xe ôm quê gốc Long An nhưng đã hai đời ở Sài Gòn. Đời cha đạp xích lô và đến bác thì... xe ôm. Bà xã bán cơm tấm, hai đứa con vừa phụ mẹ bán cơm vừa đi học đại học. Từ ở nhà thuê bác đã cất được một cái nhà trên miếng đất mua trong con hẻm Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân. Các con đường Sài Gòn bác rành như bàn tay, nhưng hôm nay chạy xe phà phà giữa lộ bác lại cứ... ngại ngại.
Hóa ra ngày thường, mấy khi bác chạy trên đường chính. Suốt ngày kẹt xe, chạy trên ấy khách lỡ chuyện hết. Thế là cứ các con hẻm bác phi. Mà hẻm Sài Gòn thì vô chừng lắm, nên muốn chạy phải nắm chắc hai điều, một là định hướng giỏi và hai là “quy luật hẻm”. Nhiều hẻm khi chui vào lần đầu thấy sâu hun hút chẳng khác mê cung, nhưng biết định hướng để ra thì không thành vấn đề. Còn quy luật hẻm là sao? “À, cái này nói thì dông dài lắm, đại loại là hết hẻm lại có hẻm, trong hẻm có hẻm và mọi con hẻm đều... ra đường, kể cả có khi phải chui dưới ban công nhà người ta”.
Chừng như bác xe ôm hiểu ý tôi nên chả hỏi đi đâu mà cứ chạy vô định, vừa chạy vừa nói chuyện. Tôi thì chưa có kế hoạch gì trong cái sáng mùng một tết này nên cứ kệ bác chở đi đâu thì chở. Bác bảo nếu tôi không đi thì tí nữa bác cũng xách xe không chạy một vòng, cho nó đã. Cả năm mới được vài ngày Sài Gòn vắng vẻ, chạy để thấy đời mình cũng có lúc thư thái, ung dung. Rồi chiều thì gầy độ nhậu với mấy bác bạn già trong xóm. Tết chỉ sợ không có bạn nhậu thôi chứ mồi và rượu ê hề. Bác kể bác gái khéo tay lắm, nấu ăn thì ngon thôi rồi. Vậy nên quán cơm tấm của vợ bác nuôi cả gia đình, tiền xe ôm của bác chỉ phụ chút chút.
Một Sài Gòn ngái ngủ sáng mùng một tết. Ảnh: HTD
Chất Sài Gòn không lẫn vào đâu được
Đi một vòng suốt cả buổi sáng, cả hai quay lại quán cà phê xuất phát. Tôi đưa bác hai tờ hai trăm, bác đưa lại cho tôi một tờ bảo vậy là nhiều rồi. Sáng mùng một chạy mở hàng như thế là vui rồi, giờ về... nhậu. Tôi bảo tờ này là của bác, còn tờ kia tôi mừng tuổi bà vợ cơm tấm của bác. Bác cười khà khà, cảm ơn rồi đút tiền vào túi và hẹn bất cứ lúc nào cần đi hãy gọi bác, qua bà cà phê này, đưa nhiêu đưa, “No” vấn đề.
Qua chị cà phê tôi mới biết đấy là một bác xe ôm rất nghĩa hiệp. Câu cửa miệng của bác là “Đưa nhiêu đưa”, với bất kỳ người khách nào. Tôi cười với chị cà phê, thế là bác ấy khôn, nói vậy mấy khi khách nỡ trả thấp. Chị bảo không phải đâu, nhiều khách kẹo lắm, nghe nói thế là đưa tờ... 20.000 đồng dù đi cả năm bảy cây số. Nhưng ổng vẫn cười. Rồi nhiều lần gặp người bị tai nạn, bác xốc lên xe chạy ào tới bệnh viện ngay, khi về xe lẫn quần áo máu me tèm lem. Có lần còn rồ ga chạy đuổi cướp như lính hình sự.
Năm nay nếu lại vào Sài Gòn ăn tết, chắc chắn tôi sẽ tìm bác để nhậu. Không phải dân Sài Gòn chính gốc nhưng cái tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp của bác thì rặt chất Sài Gòn, không lẫn vào đâu được. Chưa kịp biết tên và cả địa chỉ của bác, nhưng cái quán cà phê trước cổng chung cư vẫn còn đấy...