Không cần phải sinh ra ở Sài Gòn mới là người Sài Gòn. Không cần nói giọng miền Nam mới thành người Sài Gòn. Người Sài Gòn có tính cách không lẫn vào đâu được: nghĩa hiệp, phóng khoáng, không tính toán, cũng chẳng so đo bao giờ.
* * *
Gia đình ông Ba Chúc từ miệt ngoài vào Nam khi ông còn đỏ hỏn. Hàng chục năm qua, dòng sông Sài Gòn đã giang tay bảo bọc, nuôi sống gia đình bé nhỏ của ông. Mặc dù đã xấp xỉ 60 tuổi nhưng cuộc đời của người đàn ông nhỏ thó, nhanh nhẹn này vẫn gắn với mái chèo, với dòng sông.
Nhờ ở bên sông, cạnh cầu Bình Lợi (nơi thường xuyên xảy ra nhiều vụ tự tử và tai nạn tàu thuyền), ông Ba Chúc đã trở thành ân nhân của bao con người, bao gia đình. Dù giữa đêm khuya, chỉ cần nghe một tiếng kêu vang lên là ông nhổ neo lao ghe ngay ra giữa dòng. Bao năm qua ông đã cứu sống khoảng 200 người nhảy cầu tự tử.
Ông Ba Chúc - một người Sài Gòn. Ở ông, ta thấy được máu nghĩa hiệp, lòng thương người và không mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân. Ông chưa hề nhận của bất cứ ai một sự đền ơn nào, bởi người Sài Gòn biết cách cho và chẳng quan tâm sẽ nhận lại được gì.
* * *
Tại ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, từ lâu xuất hiện một tấm biển chỉ đường thật tận tình, được đặt ngay vị trí dễ thấy nhất. “Anh chị em nào (không dùng từ mọi người) đi bệnh viện Từ Dũ nhìn theo mũi tên thấy nhà lầu màu vàng, nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con… Cám ơn”. Họ chỉ đường bằng thái độ trân trọng và lịch sự. Điều này khiến cho người viết bài này nhớ lại trong một lần đi công tác tỉnh xa, khi ghé vào ngã tư hỏi đường, người đàn ông cao tuổi bình thản trả lời: “Bác cho em xin mười nghìn rồi em chỉ cho”.
Người Sài Gòn sẵn sàng giúp đỡ khách phương xa một cách tận tình. Có khi họ còn đưa đường dẫn lối đến tận nơi khách lỡ đường cần tìm mà không đòi hỏi gì, kể cả một tiếng cảm ơn. Người Sài Gòn không tham lam, không ích kỷ. Lợi dụng sự lạ lẫm, lơ ngơ của du khách để kiếm lợi cho bản thân không phải là phong cách người Sài Gòn.
Tiểu thương trao quà từ thiện cho người nghèo tại TP.HCM. Ảnh: Tam Anh
* * *
Một lần nào đó, mời bạn đến con hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận - nơi tụ hội của những người Sài Gòn lam lũ. Tuy lam lũ nhưng tâm hồn họ trong sáng. Người thợ sửa xe sẵn sàng sửa miễn phí cho người cơ nhỡ, tàn tật. Anh xe ôm sẵn sàng chở người bị nạn vào bệnh viện lúc đêm hôm mà không lấy tiền công. Đầu hẻm còn có một tủ thuốc từ thiện dành cho người lỡ đường chẳng may bị bệnh. Một thùng trà đá mà bất cứ ai cũng có thể ghé uống. Nhưng đặc biệt hơn hết là dịch vụ mai táng miễn phí cho người nghèo.
Người Sài Gòn ở đây không giàu nhưng tấm lòng quảng đại. Ở họ dường như chỉ có tình nhân ái, không có chỗ cho oán trách, hận thù.
* * *
Người Sài Gòn không phân biệt đại gia hay tiểu gia. Không khó để bắt gặp một anh chàng đi chiếc xe hơi bóng loáng ghé vào quán lề đường ngồi ăn chung với những người lao động bình dân. Chỉ cần có đủ tiền để trả cho phần thức ăn mình gọi là ai cũng có thể ngồi chung bàn, không phân biệt sang hèn.
Những ly rượu đế đối với người Sài Gòn có khi còn đậm đà hơn những chai rượu Tây sang trọng. Cái quý không phải ly rượu, đĩa mồi mà là cái tình với nhau.
Là người sống ở Sài Gòn hơn 60 năm, với tôi từng con hẻm, từng ngóc ngách của Sài Gòn đều đầy ắp kỷ niệm. Tuổi thơ của tôi từng chứng kiến những hình ảnh đầy tình người ở Sài Gòn. Một ông (hay bà) cụ được một cô gái, một thanh niên dìu qua đường trong dòng xe đông đúc. Khi chiếc xe tang đi ngang qua, bất kể là ai cũng lấy mũ xuống, cúi đầu tiễn đưa người đã khuất. Lên xe buýt hay ở những chỗ đông người, người trẻ sẵn sàng nhường vị trí an toàn cho người già và trẻ em.
Người Sài Gòn không xa hoa, không khoe của nhố nhăng, kệch cỡm. Nói thế không có nghĩa người Sài Gòn keo kiệt, ngược lại họ biết dùng đồng tiền vào đúng việc. Những ngôi nhà cao tầng, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng không phải là bản sắc của người Sài Gòn.
Người Sài Gòn đơn giản và khoáng đạt. Màu mè hoa lá cành không phải là tính cách của người Sài Gòn. Tôi yêu Sài Gòn vì người Sài Gòn không tự tôn mà cũng chẳng tự ti. Người bề trên không lấy quyền của mình để chì chiết, miệt thị người khác. Người cấp dưới cũng chẳng phải cong lưng, bó gối bợ đỡ người cấp cao.
* * *
Đất lành chim đậu. Sự gia tăng dân số khá nhanh trong thời gian qua đã làm cho chất Sài Gòn chưa kịp thấm vào những người mới đến miền đất này. Những người sống ở Sài Gòn bây giờ chưa kịp hiểu hết tính chất Sài Gòn đã bị cuốn vào vòng xoáy khốc liệt của cuộc mưu sinh. Tới một lúc nào đó, họ chợt thấy mình đang sống trên đất Sài Gòn mà lại hành xử như người ở một vùng đất xa lạ nào. Chỉ mong sao điều đó chỉ là thiểu số. Lớp người mới đến Sài Gòn - đã là cư dân của Sài Gòn - hãy coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình để từ đó có cách cư xử đúng chất người Sài Gòn.
“Nghĩa” của người Sài Gòn Chữ “nghĩa” có nhiều ý nghĩa khi nó đi cùng với một từ khác: nhân nghĩa, tình nghĩa, nghĩa khí, nghĩa hiệp, lễ nghĩa…, thường là một phẩm chất cũng có khi là một hành động như nghĩa cử. Quan niệm và cách hành xử của người Sài Gòn/Nam bộ luôn thể hiện hai phẩm chất: trọng nghĩa khinh tài và sống có tình có nghĩa. Nói người Sài Gòn/Nam bộ trọng nghĩa khinh tài, bởi họ luôn coi nghĩa quan trọng hơn tiền tài, bổng lộc. Nếu phải chọn lựa giữa một bên là địa vị, chức tước giàu sang nhưng phải sống không trọn tình, không thể hiện nghĩa khí, không giữ được lòng nhân, không đúng lễ nghĩa… thì người Sài Gòn/Nam bộ thường chọn nghĩa để giữ trọn tình cảm, phẩm giá, khuôn phép. Thậm chí họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, quyền lợi riêng để làm việc nghĩa. Trọng nghĩa khinh tài còn là sự hào hiệp trong việc tiếp đón giúp đỡ người nơi xa đến, không quan tâm đến “thân thế, sự nghiệp”, địa vị của người đó. Bất kể ai đến vùng đất này đều được đón tiếp như nhau. Càng nghèo khó, càng yếu thế lại càng được giúp đỡ, bênh vực. Khi đã coi đó là việc nghĩa thì người Sài Gòn/Nam bộ sẽ quyết làm, không chút so đo tính toán. Trọng nghĩa khinh tài đi đôi với sống có tình có nghĩa. Sống nghĩa tình vừa là quan niệm đạo đức vừa là phương châm hành xử hằng ngày. “Nghĩa” trong “tình nghĩa” không chỉ là những quan hệ ràng buộc bền chặt mà còn là “nghĩa lý”. Nếu cái “lý” như một nguyên tắc cứng cỏi, khách quan, không khoan nhượng thì khi được vận dụng cùng với “nghĩa” trở nên phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, biết thông cảm với người lỡ lầm, biết cân nhắc một vừa hai phải. Trong quan hệ làm ăn, “nghĩa lý” là sự thẳng thắn, sòng phẳng nhưng không lạnh lùng tiêu diệt, triệt hạ lẫn nhau. Nghĩa lý không quá uyển chuyển, linh hoạt như chỉ vì “tình”, cũng không quá cứng rắn như “lý lẽ”; nghĩa lý có sự công bằng nên thuyết phục, thu phục con người lâu dài. Chính vì sống tình nghĩa/nghĩa lý nên ứng xử chân thành, tử tế mà phân biệt phải trái rạch ròi, không lẫn lộn vàng thau, mặt khác cũng không dung thứ cho sự cố tình vi phạm đạo đức, làm tổn thương nghĩa tình trong cuộc sống. Người Sài Gòn/Nam bộ là thế. Ðơn giản, mộc mạc mà trọn nghĩa, trọn tình. Bởi thế không có gì khó hiểu khi Lục Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu luôn được yêu quý, bởi đó là nhân vật hội tụ được tất cả tính cách tốt đẹp của người Nam bộ. Nguyễn Thị Hậu |