Giả dụ ta là một nhà thiết kế, được yêu cầu soạn một catalogue giới thiệu thật đầy đủ về Sài Gòn. Khi mọi nội dung thông tin cần thiết đều có thể search (tìm kiếm) được dễ dàng trong thời buổi công nghệ, có lẽ điều ta băn khoăn nhất là sẽ chọn không gian màu sắc nào đặc thù nhất để miêu tả về Sài Gòn.
Tone màu Sài Gòn đã khác xưa
Cho đến đầu những năm 2000, khi dạo qua các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở đường Đồng Khởi, quận 1, tôi vẫn nhìn thấy đa số các postcard (bưu thiếp) bày bán là ảnh chụp hoặc tranh vẽ nét chì, bút bi, màu nước tả thực những công trình biểu tượng Sài Gòn như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà hay Nhà hát Thành phố, đôi khi là một góc nào đó của Chợ Lớn hay Bến Bình Đông. Hầu hết chúng đều được phủ lên một phổ màu vàng hơi cũ kỹ, đằm sâu. Lúc đó Sài Gòn, sau hơn một thập niên mở cửa chuyển mình, vẫn ngoái lại quá vãng. Con người Sài Gòn vẫn định hình màu sắc đô thị mình sống là hòa trộn giữa màu tường vàng của những kiến trúc thuộc địa, màu ngói đỏ của ngôi chợ có tuổi đời gần thế kỷ, màu gạch đỏ ấm áp của ngôi giáo đường đã hơn một thế kỷ hiện hữu như một biểu tượng ở trung tâm thành phố.
Mới đó, một thập niên nữa trôi qua. Cảm nhận về sắc màu đô thị Sài Gòn giờ đã đổi khác khá nhiều. Một buổi sáng nào đó, dạo bộ trên đường Đồng Khởi, lại tạt qua những tiệm bán postcard năm cũ (dĩ nhiên, ngay cả không gian của những tiệm sách, tiệm bán hàng lưu niệm trên trục đường trung tâm này nay cũng đã khác mười năm trước rất nhiều), ta bất ngờ nhận ra những hình ảnh nhận diện Sài Gòn đã được sắp xếp lại. “Mật độ” chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà trên những bưu thiếp đã ít lại. Thay vào đó là hình ảnh Bitexco Financial Tower chọc trời nhìn từ nhiều giác độ; là những góc phố hiện đại; là con đường lát đá trải dài ở phố Nguyễn Huệ mà ba thế kỷ trước là một dòng kênh thuyền bè tấp nập, hay toàn cảnh quận 1 với những tòa nhà cao tầng được nhìn từ một góc máy đặt bên kia sông Sài Gòn… Chợt ngỡ ngàng nhận ra ngay trên postcard, Sài Gòn đã khoác lên một tone màu khác của những biểu tượng nhận diện mới tự bao giờ.
Ít ai nghĩ Sài Gòn đã khoác lên một tone màu khác của những biểu tượng nhận diện mới tự bao giờ. Ảnh: HTD
Không nệ cổ, không hãnh tiến
Lại trở về trước màn hình máy tính, thử nhập vai một nhà thiết kế đứng trước cuốn catalogue về Sài Gòn hôm nay, hẳn ta sẽ băn khoăn chọn lựa một dãy màu sắc chủ đạo nào để thể hiện hết sắc thái hiện đại của thành phố nhưng đồng thời cũng không bỏ qua yếu tố căn tính (identity) của nó.
Liệu giờ đây Sài Gòn có còn khoác trên mình màu vàng, đỏ quen thuộc của quá vãng mang bên trong nó chiều sâu của lịch sử, chiều rộng của thời gian, chiều xa của liên tưởng hay cảm giác về một lịch sử thăng trầm đã qua? Có giải pháp nào tìm thấy sự hài hòa giữa chúng với màu xanh tím khi mặt trời chiếu vào lớp kính trên tòa nhà chọc trời Bitexco làm ánh lên sắc thái khỏe khoắn, hiện đại và có phần tham vọng? Rõ ràng sẽ khó giải đáp những câu hỏi như thế bằng một biện pháp thuần túy công thức, bởi phía sau đó là cả một cuộc truy vấn trải nghiệm sâu xa về bản sắc, trạng thái, văn hóa đô thị.
Nhưng câu hỏi khó tránh né sẽ vẫn là: Trong cuộc đổi thay nhanh chóng này, ta chọn giải pháp màu sắc nào cho Sài Gòn?
Mới đó, một thập niên nữa trôi qua. Cảm nhận về sắc màu đô thị Sài Gòn giờ đã đổi khác khá nhiều. Ảnh: NVN
Trước kia, chỉ bằng ngôn từ, nhà thơ Nguyên Sa đã vẽ ra một màu sắc có tính biểu tượng Sài Gòn trong tâm tưởng chúng ta: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Giờ đây, liệu còn chút màu nắng “chợt mát” ấy trong lòng đô thị hiện đại, hay thay đổi bằng màu trời của những ngày mù khô giữa phố không cây xanh và nàng thơ nay đã mặc áo trùm kín đầu, kín tay, khẩu trang che kín mặt?
Mà đâu chỉ các nhà thiết kế hay thi sĩ bị cuộc thay đổi nhanh chóng này làm khó, chính xã hội cũng thấy khó khăn khi đi tìm màu sắc đặc trưng để khoác cho Sài Gòn. Bằng chứng là thi thoảng người ta tranh luận với nhau về việc nên giữ lại cái này vì lịch sử, ký ức (cá nhân và cộng đồng) hay nên xây dựng cái kia vì sự tiện nghi, tính toán phát triển. Cũng đã từng xảy ra câu chuyện tranh cãi xung quanh việc chọn màu vàng ở sắc độ nào cho tòa nhà Bưu điện Sài Gòn… Có những cuộc tranh luận dai dẳng không hồi kết đã vẽ ra sự giằng xé của một thành phố vừa mang kháng thể bản sắc lại vừa không thể nào cưỡng lại được sự quyến rũ của một đô thị phát triển trong thời toàn cầu hóa.
Là một thành phố hướng ngoại, Sài Gòn dù muốn dù không vẫn phải mang gam màu mới của một đại đô thị (mega city). Sài Gòn không nhất thiết phải nệ cổ một cách phi lý với sắc màu cũ kỹ u trầm, nhưng cũng không quá hãnh tiến để rồi tự khoác lên những chiếc áo mới kệch cỡm xa lạ, thiếu gắn kết với lịch sử, văn hóa, bối cảnh thiên nhiên và quay lưng trước tâm tính, ký ức văn hóa của chính cộng đồng.
* * *
Tôi hỏi vì sao trong quyển Sài Gòn Zoom In - một ấn phẩm giới thiệu điểm đến Sài Gòn từng đoạt giải thưởng thiết kế tại Mỹ - lại chọn tone màu trên trang bìa là màu xanh dương pha tím. Họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, cha đẻ của dự án trên, trả lời: Ông đã chọn bức ảnh đêm ở quận 1 nhìn từ sông Sài Gòn với tòa tháp Bitexco làm điểm nhấn để làm trang bìa. Vì những tia sáng, tường kính phát ra từ tòa nhà biểu tượng mới có màu xanh dương nên việc còn lại của nhà thiết kế là “trích” màu từ công trình này, lót thêm màu xanh pha tím đậm cùng “họ màu”, tạo ra sự hài hòa, đồng thời gợi cảm giác khỏe khoắn, năng động, đương đại của một thành phố hội nhập nhưng cũng có chiều sâu của lịch sử.
Trong bối cảnh phổ màu đô thị Sài Gòn đang chuyển dịch nhanh chóng, hệ thống biểu tượng cũng như trải nghiệm sống của thị dân về đô thị dần thay đổi thì phải chăng đó là một gợi ý đáng lưu tâm?
Hà Nội chừng nào hãy còn đó ba sáu phố phường, còn Văn Miếu, tháp Rùa thì không gian màu sắc chính biểu hiện bản sắc đô thị vẫn là mái ngói thâm nâu, màu tường vàng cũ kỹ. Cũng như nói về Hội An thì sắc thái đặc trưng sẽ vẫn là màu vôi tường nhà vàng hung hắt lên vừa phải dưới thứ ánh sáng vừa mộc lại vừa ảo của đèn lồng. Nói về Đà Lạt, sao thiếu màu xanh của thông. Nói về Nha Trang sao quên màu xanh êm đềm của biển. Hay làm sao nói được màu Huế nếu không có những mảng xám của lăng tẩm, thành quách cổ kính, thâm trầm chốn kinh thành xưa… |