Vào Sài Gòn lần đầu tiên năm 1969, những địa điểm thu hút khách phương xa lúc đó như Thảo cầm viên, bến Bạch Đằng… tôi chỉ một lần đến chơi, còn cả mùa hè dành để la cà các hiệu sách.
Thành phố thời ấy không thiếu hàng hóa, nhưng lạ nhất là sách báo cũng tràn đầy các cửa hiệu, ngoài vỉa hè. Khai Trí, Vĩnh Bảo, Xuân Thu, Liên Châu, Đoàn Văn, Phong Phú… - tên những hiệu sách hồi đó không nhiều như bây giờ, nhưng là những cái tên để lại ấn tượng và kỷ niệm. Nhiều cuốn sách tôi chỉ nghe nói khi ở quê có thể tìm thấy dễ dàng ở đây. Khác với các hiệu sách ở tỉnh lỵ, sách thường bọc giấy kiếng chưng trên quầy hay trên kệ, khách vừa bước vào đã nghe người bán hỏi mua gì; những hiệu sách ở Sài Gòn để cho khách thoải mái chọn sách, đọc sách hàng giờ, dù không mua cuốn nào mà vẫn không cảm thấy áy náy.
Những hiệu sách lưu dấu một thời
Có hai hiệu sách mà những năm sau này, khi trở lại Sài Gòn học tập, tôi thường đến là thư quán của Viện Đại học Vạn Hạnh dưới dốc cầu Trương Minh Giảng và nhà sách Đức Mẹ trong nhà thờ Dòng Chúa cứu thế ở đường Kỳ Đồng. Nơi đầu tôi có thể tìm mua những cuốn sách tham khảo cho chương trình của Đại học Văn khoa; còn nơi sau giúp tôi sưu tầm trọn bộ tạp chí Đối Diện và tủ sách Tuổi hoa. Nhưng điều tôi thích nhất ở hai nơi này là không gian tĩnh lặng, thoáng đãng, chỉ có tiếng trang giấy lật sột soạt, tiếng người bán người mua trao đổi nhau khe khẽ. Nay thư quán Vạn Hạnh không còn; nhưng nhà sách Đức Mẹ vẫn hoạt động, góp phần tái bản một số đầu sách Tuổi hoa thời gian gần đây.
Hồi đó, nhờ đọc một bài báo của Nguyễn Ngọc Lan, tôi mới biết rằng giá sách rẻ nhất không phải ở các hiệu sách lớn mà là những kiosque dọc đường Lê Lợi, đặc biệt là quán sách bà Lưu trước cửa hiệu thuốc tây Diệu Tâm gần ngã tư Lê Lợi - Công Lý. Tôi để ý trên trang cuối những cuốn sách của một nhà xuất bản tôi yêu thích có ghi địa chỉ phát hành là quán sách bà Lưu. Ở đây có lẽ nhờ ít chi phí thuê địa điểm, thuế má và trả lương nhân viên nên sách có thể giảm giá đến 20% so với giá bìa. Từ đó, tôi có kinh nghiệm mỗi khi cần cuốn sách gì thì đến đây trước khi vào các hiệu sách lớn.
Vào hiệu sách, điều thú vị nhất hẳn nhiên là tìm được một cuốn sách quý, nhưng cũng thú vị không kém là lặng lẽ quan sát những người Sài Gòn mua sách. Đó là những cụ già khoan thai xem sách và đắn đo khi chọn mua một cuốn. Đó là những chàng sinh viên đeo kiếng trắng chỉ biết rủ người yêu đi hiệu sách thay vì vào rạp xi-nê hay vũ trường như nhân vật trong một vở kịch của Kim Cương. Đó là những cô bé, cậu bé chuyên “coi cọp” trong hiệu sách và có lúc cầm lòng không đậu đã “cầm nhầm” một cuốn sách rồi bị phát hiện, may nhờ có ông chủ tiệm sách bao dung tha thứ, như trong một cuốn truyện cảm động của Lê Văn Nghĩa. Những độc giả đó nghĩ gì, nhớ gì, quên gì khi đứng trước quầy sách? Quên chiến tranh, nghèo đói, hận thù; nhớ tiền nhân, lịch sử; nghĩ về tri thức và tương lai đất nước? Họ có bao giờ mong được diện kiến tác giả cuốn sách, hay là gặp gỡ chuyện trò với một người độc giả khác cũng cùng sở thích và niềm tâm đắc với mình khi cùng đọc một cuốn sách?
Tình yêu không suy suyển
Sau 1975, đã có giai đoạn người Sài Gòn phải tìm cách cất giấu, phân tán những cuốn sách từng lưu giữ kỷ niệm của gia đình, là sợi dây truyền thông kết nối các thế hệ, để không bị tịch thu. Điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh buộc phải xa xứ, không ít người phải đứt ruột bán đổ bán tháo những cuốn sách được bảo quản hàng chục năm trong tủ sách gia đình. Chợ sách cũ đường Đặng Thị Nhu tồn tại nhiều năm giữa lòng Sài Gòn là chứng tích cho thời kỳ này. Không hiếm trường hợp những người săn lùng sách cũ mua được những cuốn sách ở trang đầu có chữ ký của những nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng. Mấy năm tham gia chấm thi Tủ sách gia đình vào mùa hội sách, tôi hiểu vì sao sau những biến động của thời cuộc, ở Sài Gòn số gia đình có lượng sách lớn và sách quý không còn nhiều như đã từng tồn tại.
Sài Gòn từng là một thành phố bước đầu tiêu thụ nghệ thuật, cũng đồng thời là một thành phố ham đọc. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện để tiếp âm và khuếch đại những tiếng nói mới, những xu hướng mới là một nét son của thành phố này. Sài Gòn đã thu hút những đầu óc kinh doanh năng động nhất của cả nước. Điều đó dễ hiểu: chính nơi đây đã hình thành một thị trường văn học với những giao thương về sản phẩm văn hóa từ nhiều thập niên trước.
Kết quả nghiên cứu về tình hình xuất bản sách ở Sài Gòn những năm 20 thế kỷ XX cho biết có những cuốn tiểu thuyết in lần đầu đến cả ngàn bản (chẳng hạn tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu…), trong khi dân số cả nước lúc đó chưa bằng một phần tư bây giờ mà tỉ lệ người mù chữ lại cao hơn. Chỉ riêng việc ấn hành tác phẩm dịch của Trung Hoa và phương Tây ở Sài Gòn thời trước cũng chiếm tỉ lệ lớn trong thị phần xuất bản của cả nước. Thị trường ấy đã thỏa mãn nhiều loại công chúng khác nhau với những sản phẩm đa dạng: từ văn học tiêu khiển đến văn học tinh hoa.
Dù chiến tranh khốc liệt, sách chỉ lưu hành chủ yếu ở đô thị, nhưng tác dụng của nó cũng lan tỏa đến các tỉnh lỵ. Nhiều cuốn sách trở thành “hiện tượng” do sức hấp dẫn tự thân, hoặc do sự lăng-xê của báo chí. Hồi những năm 1960, ở quê tôi, có những độc giả nữ mê như điếu đổ cuốn tiểu thuyết Bên dòng sông Trẹm của Dương Hà. Còn tiểu thuyết dịch thì thượng vàng hạ cám đều được bày bán hay cho thuê ở các thị xã. Trong số đó, nhiều danh tác Đông Tây kim cổ được dịch thuật, cho thấy Sài Gòn đã sớm nhạy cảm với mở cửa và hội nhập văn hóa. Mấy năm nay, việc tái bản những công trình khảo cứu, dịch thuật ở miền Nam cho thấy những đóng góp không nhỏ của trí thức và doanh nhân ở đây.
Tình yêu sách của người Sài Gòn-TP.HCM, trải bao vật đổi sao dời, hầu như vẫn không suy suyển. Người ta đã nói nhiều về sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông đại chúng với văn hóa đọc, nhưng vấn đề đâu phải là hạn chế sự cạnh tranh đó, mà chính là giới làm sách, cả sách in và sách điện tử, phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Những giải thưởng về sách hiện nay cho thấy xã hội quý trọng và trông chờ biết bao ở giới làm sách.
Thật là một tin vui khi biết TP.HCM tích cực xây dựng và khánh thành đường sách ở cạnh Bưu điện trung tâm và nhà thờ Đức Bà. Cùng với hội sách tổ chức hai năm một lần, đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ là một địa chỉ văn hóa, nơi gặp gỡ của những người yêu sách. Kinh nghiệm của đường sách cạnh đường hoa Nguyễn Huệ và Hàm Nghi những tết vừa qua chắc sẽ góp phần làm cho đường sách mới hiệu quả và có sức thu hút hơn. Tình yêu sách của người dân Sài Gòn-TP.HCM mãi là một thước đo thẩm định phẩm chất văn hóa và khát vọng đổi mới của thành phố này.