“Trong thời gian qua, các quận, huyện cũng đã nỗ lực để cấp và điều chỉnh số nhà trên địa bàn TP. Nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt nên số nhà tại nhiều tuyến đường vẫn còn lộn xộn”.
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM (ảnh), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM như trên sau hội nghị liên quan về biển số nhà trên địa bàn TP ngày 29-3.
Quy định không thiếu, chỉ thiếu quyết tâm
. Phóng viên: Năm năm kể từ khi TP ban hành Quyết định 22/2012 về quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TP thì trật tự số nhà có những chuyển biến gì so với trước đó?
+ Ông Đỗ Phi Hùng: TP.HCM là đô thị đầu tiên trong cả nước có hẳn quy chế về việc này. Từ năm 2012, khi TP ban hành Quyết định 22 về quy chế đánh số và gắn biển số nhà thì đến nay đã cấp và điều chỉnh được khoảng 145.000 biển số nhà.
Theo thống kê của Sở Nhà đất cũ, sau năm 1975, TP có khoảng 300.000 căn nhà và đến nay thì con số này đã lên đến 1,8 triệu căn.
Việc cấp và gắn biển số nhà theo quy định hiện nay đảm bảo tính khoa học hơn. Có thể nói đến nay TP đã hoàn thành cơ bản việc cấp và gắn biển số nhà.
. Hiện nay, nhiều tuyến đường người dân vẫn phải “toát mồ hôi” khi tìm nhà, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
+ Trên phạm vi rộng, những tồn tại về số nhà đã được giải quyết ổn định. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận về mặt cục bộ thì nhiều chỗ vẫn tiếp tục phải điều chỉnh. Sở Xây dựng phấn đấu từ nay đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành công tác này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số nhà còn lộn xộn là do một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, còn thiếu sự quyết liệt vào cuộc điều chỉnh gắn biển số nhà. Một số quận, huyện thì có sự điều chuyển cán bộ dẫn đến việc cấp và gắn biển số nhà lúc thì làm lúc thì tạm ngưng (chẳng hạn như tại huyện Bình Chánh).
Số nhà “siêu xuyệt” ở Nhà Bè (TP.HCM). Ảnh: NT
Liên quan đến một số tuyến đường trong nội thành có số nhà chưa thật sự khoa học thì do nội thành có tính ổn định nên quan điểm của TP là chỉ những tuyến đường nào quá lộn xộn mới điều chỉnh. Còn lại thì TP giữ nguyên để tránh sự xáo trộn đến cuộc sống của người dân. Chẳng hạn như tại tuyến đường Trương Định có hai số nhà 60...
. Ngay trong cuộc họp sáng nay, cũng rất nhiều đại diện quận, huyện vắng mặt, phải chăng địa phương vẫn thờ ơ với việc này. Nếu không chế tài mạnh, đặc biệt là xem xét trách nhiệm người đứng đầu, còn không thì câu chuyện về số nhà vẫn là chuyện dài nhiều tập, thưa ông?
+ Đúng là hiện nay một số lãnh đạo các quận, huyện chưa nhận thức được tầm quan trọng của cấp và gắn biển số nhà nên cũng chưa quyết liệt vào cuộc. Quy định pháp luật hiện nay đã tương đối đủ, công tác cấp và gắn biển số nhà cũng không khó. Vấn đề chỉ là quyết tâm của các địa phương. Nơi nào mà lãnh đạo các địa phương quan tâm thì nơi đó mới có chuyển biến tốt.
Sở ghi nhận ý kiến này và sẽ trình UBND TP chỉ đạo các quận làm mạnh hơn, trong đó có việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu quận, huyện nếu không chấm dứt được tình trạng số nhà lộn xộn.
Phần mềm quản lý số nhà thông minh
. Tại hội nghị, một công ty có đưa ra giải pháp quản lý số nhà thông minh, quản lý bằng công nghệ thông tin. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?
+ Theo ý tưởng của đơn vị này thì sẽ thay đổi cách đánh số nhà như hiện nay. Cụ thể là thay vì cấp theo nguyên tắc bên phải số chẵn, bên trái số lẻ và số tiến dần lên thì sẽ căn cứ vào chiều dài của căn nhà để cấp số.
Chẳng hạn, từ đầu đường, lấy mép vị trí căn nhà đo vào dài bao nhiêu thì cấp số bấy nhiêu. Ví dụ, từ mép đo vào là 10 m thì là số 10. Căn nhà kế tiếp thì lấy số 10 cộng thêm với chiều dài bề ngang của căn nhà… Cách làm này sẽ chấm dứt được tình trạng trùng số hoặc chèn số như hiện nay.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một ý tưởng, cần phải hoàn thiện rất nhiều, đồng thời lấy ý kiến của các sở ngành, quận, huyện cũng như các nhà khoa học. TP đang tiến tới xây dựng một đô thị thông minh thì cũng cần phải có những giải pháp quản lý thông minh. Nhưng việc này còn phải lâu dài và quan điểm của Sở Xây dựng là dù có áp dụng giải pháp gì thì cũng không làm ảnh hưởng hoặc gây xáo trộn đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân TP.
. Xin cám ơn ông.
Được cấp số nhà mà không chịu dùng Hiện nay, có tình trạng người dân được cấp số nhà mới thay cho số cũ nhưng không sử dụng. Các quận, huyện chỉ biết vận động mà không có biện pháp chế tài để cưỡng chế gắn biển số nhà, cũng chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính. Đây cũng là một khó khăn trong công tác cấp và gắn biển số nhà. Sở đang kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến hướng dẫn việc xử phạt để chấn chỉnh tình trạng này. ĐỖ PHI HÙNG, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM |