Cuối tuần này, ông Biden thăm hai đồng minh Hàn-Nhật, thúc đẩy Chiến lược AĐD-TBD

(PLO)- Giới quan sát cho rằng ông Biden có thể sẽ thúc đẩy Nhật và Hàn Quốc tham gia sâu vào chiến lược AĐD-TBD và kêu gọi các nước này gia tăng sức ép lên Nga và Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo giới quan sát, trong chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị là Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, ông Joe Biden có thể ​​sẽ thúc đẩy Nhật và Hàn Quốc tham gia sâu với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD) của Mỹ và kêu gọi các nước này gia tăng sức ép lên Nga và Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post, từ ngày 20-5, ông Biden sẽ bắt đầu chuyến thăm Seoul và Tokyo - hai đồng minh thân cận nhất của Washington ở châu Á. Nhà Trắng cho biết chuyến đi kéo dài 4 ngày này nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực ngay cả khi Mỹ đang bận rộn chú ý diễn biến cuộc chiến Ukraine.

Ngoài các cuộc gặp với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, ông Biden và ông Kishida cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh với “Bộ Tứ kim cương” (nhóm QUAD) .

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi có những lo ngại rằng New Delhi có thể làm suy yếu sự gắn kết của nhóm QUAD do từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng hợp tác cung cấp hỗ trợ y tế và cơ sở hạ tầng cho khu vực AĐD-TBD.

Theo chiến lược AĐD-TBD, Mỹ cho biết sẽ xây dựng một khu vực tự do và cởi mở, củng cố an ninh, xây dựng khả năng phục hồi với các đồng minh và đối tác, và coi Trung Quốc là một mối đe dọa.

Ông Andrew Yeo - chuyên gia tại viện nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ) - cho biết cả Tokyo và Seoul đều ủng hộ các biện pháp trừng phạt, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào Nga, đề nghị hỗ trợ nhân đạo và bỏ phiếu ủng hộ Ukraine tại Liên Hợp Quốc.

“Việc các đồng minh ở châu Á, chứ không chỉ ở châu Âu, vẫn ủng hộ Ukraine giúp Washington có một động lực lớn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Nga và Trung Quốc” - ông Yeo nói.

Nhật vãn sẽ là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á

Nhật, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, trong những tháng gần đây đã áp đặt các lệnh trừng phạt, hạn chế thương mại và thông báo quyết định loại bỏ dần việc nhập khẩu than và dầu thô của Nga.

Tokyo cũng đã làm việc với châu Âu để thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và tăng cường các cam kết đối với khu vực, bao gồm việc ký hiệp ước hợp tác quốc phòng với Anh vào đầu tháng này.

Ông Yoichiro Sato - GS quan hệ quốc tế tại ĐH Châu Á-Thái Bình Dương Ritsumeikan - cho biết Nhật đã mở rộng phạm vi trừng phạt tài chính đối với Nga bất chấp viễn cảnh quan hệ với Moscow ngày càng xấu đi.

Theo ông Sato, chính sách ngoại giao của Nhật đã góp phần duy trì một liên minh chống Nga rộng lớn và được đánh giá cao ở Washington, đồng thời nói thêm rằng ông Kishida có thể sẽ phản ứng tích cực hơn đối với những nỗ lực của Washington trong việc xây dựng quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn Quốc.

GS nhận định rằng chuyến thăm của ông Biden cũng có thể mang đến một động lực hợp tác ba bên cho ông Yoon, lưu ý rằng chính quyền mới ở Seoul cũng đã nói về khả năng hòa giải với Tokyo.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Nhật và Hàn Quốc đang vấp phải một số căng thẳng nghiêm trọng về tranh chấp thương mại, tranh chấp lãnh thổ và những bất đồng lịch sử. Những điều này đã ngăn cản hai nước hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt là về an ninh.

Lập trường của Hàn Quốc

Ông Jae Jeok Park - PGS tại ĐH Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc) - cho biết chính quyền ông Yoon rất có thể sẽ bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ” đối với chiến lược AĐD-TBD tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Mỹ.

Ông nói thêm rằng Washington có khả năng sẽ kêu gọi Seoul hợp tác sâu hơn vào chiến lược này bằng cách nhấn mạnh rằng xung đột Ukraine đã củng cố liên minh giữa Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Triều Tiên.

Theo ông, rất có thể Washington cũng sẽ cảnh báo Seoul rằng nếu nước này không thực hiện cam kết mạnh mẽ đối với các vấn đề an ninh trong khu vực, Nhật sẽ trở thành nhân tố quan trọng hơn và Hàn Quốc là đối tác ngoại vi trong mạng lưới an ninh của Mỹ.

Trong nhiều năm, Hàn Quốc đã khá do dự trong việc tham gia hoàn toàn vào liên minh của Mỹ vì lo ngại điều này sẽ gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ của họ với Trung Quốc - quốc gia coi Seoul là mắt xích yếu nhất trong mạng lưới liên minh của Mỹ.

Trong cuộc gặp với ông Yoon vào tuần trước, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn - nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc - đã kêu gọi chính quyền mới cùng làm việc với Trung Quốc để “bảo vệ chủ nghĩa đa phương” và cải thiện quan hệ.

Nhóm QUAD quan sát lập trường của Ấn Độ đối với Nga

Trước hội nghị thượng đỉnh QUAD, truyền thông Nhật đã đưa tin rằng các vấn đề sẽ được thảo luận bao gồm hợp tác không gian cũng như các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực chính, bao gồm cả việc Trung Quốc đang gia tăng sức ép đối với Đài Loan.

Ông Tom Corben - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của ĐH Sydney (Úc) - cho biết lập trường của Ấn Độ đối với Nga không tác động mạnh đến chương trình nghị sự của QUAD. Ông nói thêm rằng mục tiêu chiến lược chính của khối là đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng an ninh.

Theo ông, việc thành lập một mặt trận thúc đẩy phát triển ở châu Âu hoặc hoạt động như đội tiên phong trong công cuộc đấu tranh giữa dân chủ và phi dân chủ không nên là ưu tiên hàng đầu của QUAD. Ông cũng nhận định rằng việc loại trừ hay trừng phạt Ấn Độ cũng không mang lại ý nghĩa gì cho QUAD do nước này đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược AĐD-TBD của nhóm.

Về triển vọng hợp tác, GS Sato cho biết Bộ Tứ sẽ không thể phối hợp trong việc trừng phạt kinh tế Nga, thay vào đó, họ sẽ hợp tác giải quyết các vấn đề từ đại dịch, kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và an ninh hàng hải. Ông Park thì nói rằng điều ông quan tâm là mức độ phối hợp của các nước trong nhóm QUAD liên quan đến không gian mạng, công nghệ cao nhạy cảm và công nghệ lưỡng dụng.

Trong bối cảnh Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực không gian và công nghệ cao, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy hôm 9-5 cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với Moscow về công nghệ quân sự, năng lượng và không gian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm