Thời gian qua, khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt, các nhóm người từ Trung Quốc đã tìm cách vượt qua rào cản thuế quan: tăng cường việc nhập hàng gian, hàng giả vào thị trường Hoa Kỳ và tìm mọi cách để bán hàng giả trên mạng, trong đó có việc cướp thương hiệu. Phóng sự của đài truyền hình CNBC trong tuần đã mô tả câu chuyện này.
Sáu hiệp hội doanh nhân đã gửi thư kiến nghị lên Quốc hội Hoa Kỳ hồi tháng 6-2018, khuyến cáo rằng thuế cao sẽ tăng giá thành và tiêu hao nguồn lực hiện có để chống hàng giả. Họ cũng lo ngại rằng người tiêu dùng vô tình hay cố ý sẽ tìm mua hàng nhái bởi hàng hàng thật giờ trở nên quá đắt.
Thị trường hàng giả toàn cầu lên đến 1.500 tỷ USD. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái làm kinh tế Hoa Kỳ mất khoảng 600 tỷ USD mỗi năm, tương đương 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – theo Steven Shapiro, trưởng đơn vị bản quyền thuộc FBI.
Các trang thương mại điện tử “tuồn” hàng ra thị trường buộc các cơ quan chống hàng giả làm việc vất vả hơn và những kẻ làm hàng giả biết cách làm cho hàng của chúng càng giống hàng thật hoặc tìm mọi phương thức để vượt qua các hàng rào chống hàng giả. “Mỗi ngày tôi đến văn phòng làm việc và lại thấy một loại sản phẩm mới hay dòng sản phẩm mới bị tội phạm làm giả”, Shapiro nói.
Steven Shapiro, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ của FBI: “Hàng ngày đến văn phòng, tôi lại thấy một loại sản phẩm mới bị làm giả” (Ảnh: CNBC)
Cuộc chống hàng giả tại bưu điện
Các bưu kiện từ Trung Quốc ngày càng chứa nhiều hàng giả hơn – theo Frank Russo, giám đốc cảng vụ Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới tại sân bay quốc tế JFK ở New York.
Trung tâm phân loại thư và bưu kiện JFK International Mail Facility thuộc loại lớn nhất Hoa Kỳ, hằng ngày nhận khoảng 60% bưu phẩm từ nước ngoài gửi đến Hoa Kỳ. Các viên chức hải quan ở đây dùng máy scan để phát hiện hàng giả. “Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia gửi hàng giả đến Hoa Kỳ qua những bưu phẩm nhỏ để khó phát hiện và nếu hàng bị thu giữ thì hậu quả cũng không trầm trọng lắm”, Kevin McAleenan, người đứng đầu của bộ phận hải quan tại trung tâm thư tín này, phát biểu.
Phần lớn các bưu phẩm thuộc dạng “bưu phẩm điện tử” do các trang thương mại điện tử gửi thẳng đến người mua. Mỗi ngày, trung tâm JFK nhận khoảng 120.000 e-packet như vậy và mỗi bưu phẩm thuộc dạng e-packet nặng dưới 1,8kg. “Khi bạn nhìn thấy khối lượng công việc của chúng tôi, bạn sẽ thấy việc chống hàng giả gian nan thế nào. Chỉ riêng năm ngoái, 4.500 bưu phẩm hàng giả qua trung tâm JFK bị phát hiện, chiếm tỷ lệ 12% các bưu phẩm hàng giả toàn Hoa Kỳ”, Russo nói.
Trong căn phòng bảo mật nhất của trung tâm JFK, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới lưu trữ đủ loại các loại ma túy và thuốc lắc mới nhất trên thị trường. Ở đây có cả súng, tiền giả và căn cước giả.
Hàng giả vào Hoa Kỳ từ các mặt hàng nông sản đến hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và thời trang (Ảnh: LAT)
Cướp thương hiệu hàng thật
Một phương thức phổ biến hiện nay của tội phạm là cướp thương hiệu hay nhãn hàng thật đang được bán trên trang Amazon.
Dyan Finguerra-DuCharme thuộc hãng luật Pryor Cashman chuyên về sở hữu trí tuệ và thương hiệu kể rằng chuyện đó xảy ra với khách hàng của bà. “Những kẻ giả mạo điền một hồ sơ với Văn phòng sáng chế và bản quyền USPTO thông báo ‘Địa chỉ email của chúng tôi đã thay đổi’. Sau đó, họ đến bộ phận đăng ký nhãn hiệu của Amazon và nói ‘Chúng tôi là chủ sở hữu của nhãn hiệu này’. Và đưa cho Amazon email của họ. Amazon sau đó xem các hồ sơ lưu trữ của USPTO và xác nhận email. Chính thời điểm này Amazon đưa cho kẻ xấu tất cả công cụ trên trang mua bán điện tử này, kẻ xấu trở thành chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu mới. Hàng thật bị lôi xuống và hàng giả được đưa lên Amazon để bán”, nữ luật sư giải thích.
“Amazon luôn làm việc chặt chẽ với nhãn hàng, USPTO và các đối tác khác để tiếp tục củng cố cơ chế bảo vệ nhãn hàng và vượt qua những kẻ xấu”, Amazo trả lời đài CNBC bằng email và nhấn mạnh họ nghiêm cấm mọi hình thức bán hàng giả, hàng nhái trên trang của họ.
Luật sư Finguerra-DuCharme nói cơ quan USPTO nhận được thông báo thay đổi email của một nhãn hàng, họ sẽ gửi thư đến địa chỉ email cũ để xác nhận. “Chỉ riêng khách hàng của riêng tôi, tôi đã nhận khoảng 15 email thông báo đổi email như vậy”, bà nói.
Việc cướp thương hiệu nhãn hàng thật trên Amazon mới manh nha, nhưng FBI đã chú ý đến vấn đề này.
Khu chợ Stantee Alley ở Los Angeles là nơi tuồn hàng của các tập đoàn hàng giả (Ảnh: LAT)
Người mua và chủ hàng phải làm gì?
Nhưng đối với các chủ hàng trên Amazon, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình là sử dụng dịch vụ kiểm soát của USPTO. “Dịch vụ này cho phép chủ hàng theo dõi việc nộp hồ sơ, đăng bài mới và thay đổi các chi tiết tại văn phòng sáng chế”, Shapiro nói.
Còn người mua cần kiểm tra xem người bán có đăng ký hay không bởi các nhãn hàng thường đăng công khai danh sách nhà bán lẻ có đăng ký trên mạng, trang STOPfakes.gov của Chính phủ Hoa Kỳ thông báo. Kế đến là hãy xem các loại thuế và phí bởi kẻ bán hàng giả thường “miễn phí” cho khách các loại này. Kế đến là xem về giá. “Nếu giá rẻ đến khó tin, khả năng cao đó là hàng giả”, Russo nói.
Hôm 3/4/2019, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nhà sản xuất và công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Chính phủ nước này ước tính nạn hàng giả hàng năm cướp đi 750.000 việc làm của công dân Hoa Kỳ.