Sáng 15-1, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên xử sơ thẩm vụ án hình sự với 11 bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, liên quan tới sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower.
Các bị cáo gồm: Trịnh Văn Chiến, cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Nguyễn Đình Xứng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Mạnh Sơn và Đinh Xuân Hướng, cựu chủ tịch và tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã.
Bị cáo Đinh Cẩm Vân, Nguyễn Bá Hùng, cựu giám đốc và phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa; Văn Xuân Hùng, cựu trưởng phòng Giá (Sở Tài chính); Cù Đình Hiền, cựu phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, cựu phó phòng Kế hoạch Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Ngô Đình Chén, cựu phó giám đốc Sở Tài chính; Trần Công Tỏ, cựu trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Thanh Hóa).
"Tôi không vụ lợi, tham ô"
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Văn Trịnh Văn Chiến cựu bí thư Thanh Hóa cho rằng, kết luận số 53 định giá tài sản ngày 13-6-2023 chuyển quyền sử dụng đất tại dự án Hạc Thành Tower tại các thửa đất 45-51 tại các thời điểm năm 2013 là 45,2 triệu/m² là không phù hợp với giá thị trường ở thời điểm trưng cầu định giá.
Bị cáo Trịnh Văn Chiến cho rằng, nội dung của hai kết luận định giá, so sánh kết quả định giá của hội đồng thẩm định không hợp lý lẽ bởi thời gian được trưng cầu cách nhau hơn 1 năm (thời điểm giao có quyết định giao đất từ năm 2013 đến năm 2014) nhưng giá đất hội đồng xác định ở cả hai thời điểm này đều là 45,2 triệu đồng/m². Ngoài ra việc cơ quan xác định thiệt hại 55,8 tỉ đồng là không đúng.
Theo ông Chiến, khi xác định thiệt hại các cơ quan tố tụng phải nghiên cứu 3 ý là xác định lại nguồn gốc biến động và đất đai theo bản đồ địa chính năm 1993, 2008 và 2013 cũng như quá trình xử lý hành chính của UBND tỉnh các khóa.
Thực tế năm 2008 thửa đất số 3 Phan Chu Trinh gồm thửa số 48 với diện tích 1.746 m2 đã được xác định theo giá thị trường theo quyết định 3885 và cần xem xét lại diện tích 1.224 m² của Trường Mầm non Điện Biên.
"Giám định giá đất ngày 10-1-2014 của 1.746m2 với giá 45,2 triệu/m² và giá của 1.224 m² với 42,2 triệu đồng/m², lúc đầu tôi cũng rất phân vân vì sao lúc đầu có hai thửa đất có giá khác nhau, nhưng sau đó gộp lại là 45,2 triệu/m² thì tôi rất phân vân", ông Chiến nói.
Bị cáo Trịnh Văn Chiến nêu tại tòa, từ khi làm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có lần nào phân vân về việc áp dụng giá đất như dự án này, có lẽ là tài chính biết hết các nghị định, thông tư và hướng dẫn của Bộ Tài Chính, tuy nhiên nguyên liệu đầu vào là không đúng nên mới thấy sự bất hợp lý.
“Tôi xin khẳng định lại, tôi và anh Xứng cùng những cán bộ còn lại tham mưu xử lý không có vụ lợi, không ai tham ô, tham nhũng. Tôi chúng tôi hoàn toàn vô tư giống như hàng ngàn vụ khác, bởi chúng tôi đau đáu vì sự phát triển của tỉnh”, bị cáo Trịnh Văn Chiến phân trần tại tòa.
Bị cáo Trịnh Văn Chiến nói về những lần bút phê
Chủ tọa phiên tòa nêu vấn đề, sau khi có quyết định giao đất số 389 cho Công ty Sông Mã thực hiện dự án Hạc Thành Tower, bị cáo có biết việc phê duyệt dự án Hạc Thành Tower này như thế nào?
Bị cáo Trịnh Văn Chiến trả lời: “Sau khi có quyết định 389, tôi có nhận được tờ trình của Văn phòng UBND tỉnh, sau đó tôi có giao cho Phòng Kinh tế - Tài chính tham mưu, đồng thời có bút phê “làm rõ cơ sở để tham mưu giá đất 21 triệu đồng/m²".
Đến lần thứ 2 thì Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục trình lên, tôi lại có bút phê “sao lại ra 21 triệu đồng/m² và trả lại cho các cơ quan liên quan tham mưu.
Lần thứ 3, tôi lại nhận được văn bản trình lên thì tôi có bút phê “phê duyệt diện tích tăng thêm tính theo giá mới. Hoàn chỉnh quyết định trình anh Xứng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa -PV) phê duyệt".
Cũng theo cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông thấy rất phân vân về việc giá đất vẫn 21 triệu đồng/m², trong khi Văn phòng UBND tỉnh vẫn cứ bảo lưu quan điểm nên có phê là “xin ý kiến các đồng chí trong trực UBND tỉnh”.
"Vì thấy phân vân về giá đất nên tôi xin ý kiến các đồng phó chủ tịch. Tại thời điểm đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt không đồng ý, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hồi chỉ thống nhất về nguyên tắc còn ông Nguyễn Đình Xứng không ký quyết định.
Vì tôi không học trong lĩnh vực tài chính cho nên trình độ chuyên môn về cái này hạn chế, trong khi đó giai đoạn 2013 Thanh Hóa có rất nhiều việc lớn, tại thời điểm này là khởi công Nhà máy Hóa lọc dầu Nghi Sơn.
Sau đó VP lại trình lên tôi, tôi lại giao cho Văn phòng UBND tỉnh tham mưu giá. Lần thứ 4 tiếp tục trình với đơn giá cũ...", ông Chiến nói và cho biết phía dưới có 5 phó chủ tịch về chuyên môn thì nhất định phải giao cho Văn phòng UBND tỉnh và các phó chủ tịch để xử lý tiếp, đồng ý về chủ trương rà lại và phê duyệt.
Ông Chiến tiếp tục khẳng định không có việc mình giao trực tiếp mà có yêu cầu Phó Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng xem xét ký quyết định nên "việc cáo trạng kết luận tôi đồng ý với giá 21 triệu đồng và giao cho Phó chủ tịch Nguyễn Đình Xứng ký là không đúng”.
Theo ông Chiến, việc đã giao xuống dưới nhưng không thấy văn phòng UBND tỉnh báo cáo lại và ông Xứng cũng không thấy báo cáo.
"Tôi cứ đinh ninh như vậy là ổn rồi, nhưng cho đến khi năm 2022, UBKT Trung Ương vào làm rõ, tôi thấy có khuyết điểm trong việc này và chỉ có thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát", bị cáo Trịnh Văn Chiến thừa nhận.