Sáng 8-4, TAND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Thị Hoàng Tâm – Cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Nam bị truy tố về tội nhận hối lộ (điểm điểm c khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015) và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (điểm c khoản 3 Điều360 Bộ luật Hình sự 2015).
Các bị cáo Trần Quốc Việt - cựu Trưởng phòng tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; Nguyễn Huỳnh Nam - cựu Phó trưởng phòng khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản (Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Nam - là cấp dưới của bị cáo Tâm) cùng bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Ngoài các bị cáo có tên nêu trên, VKS còn đề nghị truy tố 19 bị cáo khác (một người đã chết không truy tố) là ngư dân hoặc có liên quan cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Trần Quốc Việt bị truy tố về tội nhận hối lộ. |
Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (theo quyết định 48 của Chính phủ), một số ngư dân tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) không thực hiện đánh bắt xa bờ nhưng muốn nhận tiền hỗ trợ nên đã có hành vi tháo máy định vị gửi cho các chủ tàu đi đánh bắt xa bờ, hợp thức hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, gian dối chiếm đoạt tiền của nhà nước.
Thực hiện kế hoạch số 16/KH-CCTS của Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Nam về việc kiểm tra niêm phong, niêm phong bổ sung máy VX-170 đối với tàu cá mà chủ tàu đăng ký hoạt động khải thác thuỷ sản vùng biển xa bờ, bị cáo Nguyễn Huỳnh Nam đã nhận hối lộ số tiền 20 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong với tàu của Đỗ Văn Hùng. Sau khi nhận hối lộ, bị cáo Tâm chỉ đạo chia cho bị cáo Tâm, Nam và Việt, mỗi người 5 triệu đồng.
Bị cáo Việt đã nhận hối lộ 50 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong đối với hai tàu của Trần Văn Cương và Phạm Hải. Sau khi nhận hối lộ, Việt nói chỉ nhận 30 triệu đồng và bị cáo Tâm chỉ đạo chia cho Tâm, Việt và Nam mỗi người 10 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Nam bị truy tố về tội nhận hối lộ, mức hình phạt 24-30 tháng tù. |
VKS cho rằng, với chức vụ là người đứng đầu Chi cục Thuỷ sản Quảng Nam, đồng thời Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định 48, bị cáo Tâm đã không thường xuyên và đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát việc niêm phong máy trên các tàu cá, tạo sơ hở để các chủ tàu tự ý tháo niêm phong máy rồi gửi cho Nguyễn Văn A, Nguyễn Thanh Quang, Trần Văn ước mang đến vùng biển được nhà nước quy định hỗ trợ nhiên liệu, bấm tin nhắn và cung cấp toạ độ để tạo điều kiện cho các chủ tàu hợp thức hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gây thiệt hại số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.
Tại phiên toà diễn ra vào sáng 8-4, đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo Nam đã thành khẩn khai báo, bị cáo Việt khai báo quanh co, còn bị cáo Tâm không thừa nhận nên đề nghị áp dụng giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nam, không áp dụng đối với Tâm và Việt.
Qua xem xét, đại diện VKS đề nghị truy tố bị cáo Tâm tổng hình phạt 14-16 năm tù về hai tội danh nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Việt 30-36 tháng tù, bị cáo Nam 24-30 tháng tù cùng về tội nhận hối lộ.
Các bị cáo là ngư dân chịu mức án nhẹ nhất là 24-30 tháng tù treo, nặng nhất là 10-11 năm tù giam.
Chiều 8-4, phiên toà tiếp tục diễn ra phần tranh luận.