Cựu chiến binh hơn 20 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ

(PLO)- Với tâm nguyện “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa (Bình Định) đã miệt mài hơn 20 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tháng 3-2023, ông Nguyễn Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định) được bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2017-2022.

Làm vì trách nhiệm của người lính với đồng đội

Mặc dù có hẹn trước nhưng chúng tôi phải chờ đợi ông Khoa nhiều giờ đồng hồ vì ông bận đột xuất.

“Sáng nay có gia đình liệt sĩ tận Bình Phước ra để vào nghĩa trang vì được mách bảo có thân nhân của họ đang nằm ở nghĩa trang Bình Giang. Rồi tôi phải đưa họ ra đó làm lễ, thắp nhang. Những trường hợp thân nhân liệt sĩ tìm đến nhờ hỗ trợ như thế này rất thường xuyên, vì họ hy vọng ở chúng tôi nhiều lắm” - ông Khoa mở đầu câu chuyện.

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa vẫn luôn trăn trở về 18 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên ở nghĩa trang Bình Giang. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa vẫn luôn trăn trở về 18 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên ở nghĩa trang Bình Giang. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Đây không phải là lần hiếm hoi ông Khoa bận rộn như vậy, bởi suốt hơn 20 năm qua, ngày nào ông cũng day dứt về những đồng đội nằm lại nơi chiến trường xưa nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

“Họ tin tưởng mình nên mình luôn là cầu nối để phối hợp tìm kiếm những liệt sĩ đã hy sinh. Mình cố gắng làm vì cái tâm của mình, không vì vật chất hay gì cả, chỉ mong những người đã nằm xuống vì quê hương đất nước sẽ có ngày được quy tập về quê, được gần những người thân là mãn nguyện rồi. Còn sức thì mình sẽ tiếp tục làm công việc này” - ông Khoa nói.

Khi được hỏi cơ duyên nào đã đưa ông đến với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Khoa cho biết đó là vì trách nhiệm của một người lính với đồng đội của mình, với những người đã hy sinh để bảo vệ quê hương đất nước.

“Mình từng có những ngày tháng sát cánh cùng đồng đội để chiến đấu chống Pol Pot ở chiến trường Campuchia. Những năm tháng đó có lúc hào hùng, có cả những thương đau. Mình may mắn về được, còn những anh em đã ngã xuống ở chiến trường khiến mình rất nặng lòng” - ông Khoa hồi tưởng.

Tìm được hài cốt, mừng hơn được tiền

Năm 2002, ông Nguyễn Đăng Khoa bắt đầu việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, lúc đó ông làm chi hội trưởng CCB thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang. Đến nay, sau hơn 20 năm làm công việc này, ông không nhớ là mình đã tìm được bao nhiêu hài cốt liệt sĩ và cũng không nhớ hết đã kết nối được với bao nhiêu thân nhân của liệt sĩ.

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ còn đồng đội nằm lại chiến trường chưa tìm thấy hài cốt khiến bản thân rất nặng lòng. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ còn đồng đội nằm lại chiến trường chưa tìm thấy hài cốt khiến bản thân rất nặng lòng. Ảnh: HUY TRƯỜNG

“Mỗi lần mình tìm được hài cốt liệt sĩ là cảm thấy vui lắm, mừng hơn bắt được tiền. Còn có những lúc mình đi đào bới cả ngày trời mà không tìm thấy gì, thấy tội và chạnh lòng lắm!” - ông Khoa tâm sự.

Theo ông Khoa, trong hàng trăm chuyến đi, không phải lần nào cũng tìm được hài cốt liệt sĩ; có những lần trở về trắng tay, ông lại cảm thấy day dứt, trăn trở rồi tiếp tục dò la thông tin, lên kế hoạch tiếp theo.

Không chỉ trực tiếp dẫn đường, chỉ vị trí, tham gia khai quật, ông Khoa còn giúp thân nhân liệt sĩ nơi ăn chốn ở. Ngoài ra, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ông vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương.

Ông Nguyễn Đăng Khoa và tổ tìm kiếm đã xác định đúng vị trí nhiều mộ liệt sĩ để cơ quan chức năng quy tập quy mô lớn như ở gò Dúi Dùi (thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang), gò Me (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận).

Trong những chuyến đi của ông, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Nhưng câu chuyện tìm được thân nhân của liệt sĩ Trương Công Thanh (quê huyện Tây Sơn, hy sinh năm 1984 tại chiến trường Campuchia) cách đây khoảng 10 năm đối với ông là một kỷ niệm khó quên. Bởi trong câu chuyện này, ngoài sự nỗ lực của những người trong cuộc, dường như còn có một sự may mắn nào đó.

Ông Khoa kể vào thời điểm đó, mặc dù ông cùng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) dành nhiều thời gian tìm kiếm nhưng không có kết quả. Vào một ngày, khi ông đang chợp mắt nghỉ trưa chợt trong đầu xuất hiện hình ảnh liệt sĩ Thanh. Bừng tỉnh, ông chạy vội xuống Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn nhờ cán bộ lục tìm hồ sơ về người này.

“Sau khi xác định được chính xác liệt sĩ Thanh quê ở xã Tây Phú, mình cấp tốc chạy vào xã hỏi thăm nhiều người và tìm được nhà em ruột của liệt sĩ này. Điều kỳ lạ là lúc này Thiếu tướng Huy cũng hoãn chuyến công tác từ Gia Lai đi Hà Nội và có mặt tại Ban chỉ huy quân sự huyện để tìm kiếm thông tin về thân nhân của liệt sĩ Thanh trước khi mình gọi điện thoại báo” - ông Khoa nhớ lại.

Đối với ông Khoa, điều trăn trở nhất hiện nay là còn 18 ngôi mộ liệt sĩ của Sư đoàn 968, Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn chưa biết tên. Trong những năm qua, ông đã phối hợp cùng nhiều đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thử nhiều cách nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông đang tích cực phối hợp với Tổ tình nguyện tìm kiếm hài cốt của CCB Vũ Đình Luật (nguyên cán bộ Sư đoàn 968) làm tổ trưởng để tìm kiếm thông tin, xác định danh tính kết nối với thân nhân, đưa các anh trở về với gia đình.

Năm 1982, ông Nguyễn Đăng Khoa tham gia chiến trường Campuchia thuộc Sư đoàn 307, chiến đấu tại tỉnh Preah Vihear giáp biên giới Thái Lan. Tháng 5-1985, ông được phục viên trở về địa phương, sau đó làm việc tại Xí nghiệp Mía đường Đồng Hào. Năm 2002, ông làm chi hội trưởng CCB thôn Thượng Giang 1. Từ năm 2005 đến nay, ông làm phó chủ tịch Hội CCB xã Tây Giang, huyện Sơn Tây, Bình Định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm