Cựu chủ tịch Công ty Chứng khoán SME hầu tòa vì bị cáo buộc lừa đảo 300 tỉ

(PLO)- Cựu chủ tịch và nhiều lãnh đạo Công ty Chứng khoán SME cùng hầu tòa trong vụ án lừa đảo với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 300 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo liên quan đến Công ty cổ phần Chứng khoán SME (SMES) và Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI).

Chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng

Vụ án này xảy ra cách đây đã 12 năm, đến nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng đối với các bị cáo. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài khoảng 10 ngày.

Trong 10 bị cáo hầu tòa, sáu người bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bao gồm ông Phan Huy Chí (cựu chủ tịch SMES), Phạm Minh Tuấn (cựu tổng giám đốc SMES)… cùng hàng loạt cán bộ của công ty này.

Bốn người còn lại bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đều là cựu lãnh đạo và cán bộ của PVFI, trong đó có ông Chu Xuân Lai (cựu tổng giám đốc), Lê Xuân Tân (cựu phó tổng giám đốc)…

Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: TP

Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: TP

Theo cáo trạng, SMES được thành lập năm 2006, có vốn điều lệ 255 tỉ đồng. Công ty đăng ký các ngành kinh doanh như lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tự doanh chứng khoán và môi giới chứng khoán.

Từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, ông Chí, ông Tuấn cùng thuộc cấp tại SMES đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối như tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán của các khách hàng.

Hành vi này nhằm tạo niềm tin và chiếm đoạt của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), PVFI và Ngân hàng Thương mại cổ phần Habubank (nay là Ngân hàng SHB) với tổng số tiền gần 300 tỉ đồng.

Giai đoạn trước khi xét xử, VKSND Tối cao ghi nhận bị cáo Phan Huy Chí và gia đình đã trả cho PVI hơn 80 tỉ đồng, bị cáo Phạm Minh Tuấn chưa bồi thường cho PVI.

Với việc xảy ra tại Habubank, trước khi khởi tố, ông Tuấn đã khắc phục 8,3 tỉ đồng. Số tiền còn lại hơn 71 tỉ đồng, ông Tuấn cùng đồng phạm có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Habubank.

Chiêu lừa bằng chứng khoán ảo

Trong ba đơn vị bị nhóm bị can lừa đảo, cơ quan tố tụng xác định PVFI mất hơn 111 tỉ đồng, PVI mất hơn 107 tỉ đồng và Habubank mất 80 tỉ đồng.

Tại PVI, do biết công ty này có một khoản tiền cần hợp tác đầu tư chứng khoán, hai bị cáo Chí và Tuấn chỉ đạo cấp dưới tạo dựng hồ sơ giả, lập khống xác nhận số dư các mã chứng khoán (thực tế chỉ là chứng khoán ảo - PV)… để ký kết hợp đồng.

Tin tưởng nhóm bị cáo có cổ phiếu thật, PVI ký hai hợp đồng hợp tác, chuyển số tiền hơn 107 tỉ đồng cho SMES. Thế nhưng đến hạn tất toán, PVI không hề nhận được tiền gốc và lợi nhuận như đã thỏa thuận nên đã kiến nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Tại PVFI, vẫn với thủ đoạn tương tự, các bị cáo khiến công ty này tin tưởng và ký sáu hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán, qua đó chiếm đoạt hơn 111 tỉ đồng.

Đáng chú ý, để các bị cáo tại SMES thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS xác định có sự đồng phạm của nhiều lãnh đạo PVFI, thông qua việc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm.

Cụ thể, nhóm bị cáo tại đơn vị này đều là những người có chức trách, nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Thế nhưng họ đã không làm đúng, đầy đủ quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết của PVFI và quy định tại hợp đồng cung cấp dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết đã được ký kết giữa PVFI với SMES.

Ngoài ra, khi PVFI ký kết các hợp đồng về việc niêm yết chứng khoán với SMES đã không có mặt các bên cùng tham gia, không thực hiện đúng với nội dung hợp đồng...

Trong khi đó, tại Habubank, bị cáo Tuấn chỉ đạo thuộc cấp dùng thủ đoạn gian dối tạo dựng khách hàng, xác nhận các mã chứng khoán không có thật nhằm đưa vào hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán, qua đó chiếm đoạt của ngân hàng này 80 tỉ đồng.

Vụ án này được khởi tố từ tháng 7-2012, ông Chí và Tuấn bị khởi tố và tạm giam cùng thời điểm. Hơn một năm sau, cả hai lần lượt được thay đổi biện pháp ngăn chặn sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Từ năm 2012 đến 2019, vụ án trải qua bảy lần điều tra bổ sung. Đến tháng 8-2019, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm