Ngày 17-4, TAND TP Hà Nội xét xử cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác về tội vi phạm quy định đấu giá tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến sai phạm đấu giá đất ở Hà Nội gây thiệt hại 135 tỉ đồng cho Nhà nước.
Cựu Chủ tịch Vimedimex kêu oan
HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Loan cuối cùng. Trên bục khai báo, bà Loan cho rằng truy tố là không đúng, bị ép cung. Lời khai của các bị cáo khác tại tòa cũng không đúng, gian dối.
Cựu Chủ tịch Vimedimex nói rằng có nhiều bút lục ghi lời khai của bị cáo trong hồ sơ vụ án là giả, còn các lời khai khác là đúng. “Các chữ ký trong biên bản này không đúng chữ ký của bị cáo, nội dung cũng không đúng” – bị cáo Loan nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Loan cũng trình bày thêm rằng điều tra viên Bùi Đức Hiếu là người đứng tên trong các biên bản lấy lời khai này cũng không phải người vẫn làm việc với bà. Điều tra viên thường làm việc với bị cáo là ông Nguyễn Quốc Dũng.
HĐXX đề nghị bà Loan nêu rõ các bút lục không đúng. Bà Loan xin gửi danh sách cho thư ký, tuy nhiên chủ tọa phiên tòa đề nghị bị cáo khai rõ để VKS nắm được.
Sau đó, bà Loan đã đọc rõ các bút lục số 0440, 0442, 0443, 0444… là biên bản ghi lời khai đều do điều tra viên Bùi Đức Hiếu lấy lời khai. Có biên bản điều tra viên Bùi Đức Hiếu không ký vào biên bản ghi lời khai.
Theo bị cáo Loan, cáo trạng kết luận bà chỉ đạo người đi nộp tiền đặt cọc là sai sự thật, lời khai của các cấp dưới là không đúng sự thật. “Trong cáo trạng có kết luận tôi sử dụng 3 công ty là không đúng. Ở đây có sự thông đồng trong nội bộ công ty khi tôi đang bị tạm giam”- bị cáo Loan nói.
Trước đó, trả lời HĐXX, các bị cáo Nguyễn Quang Hưng, cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vimedimex; Tạ Thị Vân, cựu TGĐ Công ty BĐS Bắc Từ Liêm; Nguyễn Xuân Đức, cựu Phó TGĐ Công ty Đầu tư BĐS Mỹ Đình, thừa thuận các hành vi phạm tội mà cáo trạng nêu.
Bị cáo Nguyễn Quang Hưng khai rằng bà Loan chỉ đạo ông Hưng trong việc ủy quyền đấu giá, sau đó ông Hưng truyền đạt lại cho bà Vân, ông Đức.
Người làm chứng khẳng định nội dung vi bằng
HĐXX cũng xét hỏi cá nhân, tổ chức liên quan và người làm chứng.
Đại diện Công ty BĐS Bắc Từ Liêm cho biết đã hoàn trả lô đất cho UBND huyện Đông Anh. Đối với số tiền 392 tỉ đồng nộp ngân sách, Công ty BĐS Bắc Từ Liêm đề nghị hoàn trả cho Công ty theo đúng quy định pháp luật.
“Công ty đang là bên liên quan trong vụ án, đề nghị Tòa xem xét lại, Công ty là người thứ 3 ngay tình, đang bị thiệt hại trong vụ án”- đại diện Công ty nói.
Đại diện của các Công ty BĐS Thanh Trì, Công ty BĐS Mỹ Đình cho biết đã nộp 30 tỉ đồng đặt cọc khi tham gia đấu giá và đã được trả lại. Hai công ty này cùng Công ty BĐS Bắc Từ Liêm đã gửi đơn tới Tòa và đề nghị HĐXX xem xét các nội dung trong đơn.
Đại diện Ban Quản lý Dự án huyện Đông Anh và UBND huyện Đông Anh cho biết về yêu cầu trả lại tiền của Công ty Bắc Từ Liêm, người đại diện cho biết sau khi vụ án bị khởi tố, UBND huyện đều dành ra khoản này, khi có kết luận của tòa án sẽ trả ngay
“Tài sản nhà nước đã được bảo toàn, đất đang nằm đấy, huyện đang quản lý. Về thiệt hại 135 tỉ đồng mà tòa hỏi, chỉ cơ quan tố tụng mới có đánh giá chuẩn mực. Ở góc độ huyện và BQL thì quan trọng nhất là tài sản của Nhà nước đã được giữ lại”- vị đại diện nói.
Một nhóm cá nhân ở các công ty liên quan cũng được tòa án triệu tập do họ đã ký vào các vi bằng mà luật sư của bà Loan nộp cho Tòa. Trước tòa, các cá nhân này xác nhận các nội dung trong vi bằng là đúng.
Trước khi mở phiên xử, luật sư của bà Nguyễn Thị Loan đã tiến hành giao nộp hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ cho tòa án.
Trong số tài liệu này có 25 bản tường trình của một số cá nhân liên quan về các nội dung như giải trình về các số tiền 194 tỉ đồng, các khoản tiền dự án, chuyển nhượng các dự án thành phần, những lời khai “không đúng sự thật”, liên quan việc trả lại tiền đặt cọc đấu giá đất…
Ngoài ra, còn có 35 bộ vi bằng đã lập; 3 hợp đồng ủy thác; 9 đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị xem xét lại chứng cứ, tài liệu... của bị cáo Loan gửi các cấp; 9 tài liệu, chứng cứ là các băng ghi âm, biên bản làm việc, đối chất, báo cáo rà soát...
Theo cáo buộc, các bị cáo Trần Công Tuyên, cựu Trưởng phòng và Vương Thị Thu Thủy, cựu cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp đã yêu cầu các bị cáo là thẩm định viên hạ giá trị khu đất khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (Đông Anh, Hà Nội).
Việc này tạo điều kiện cho các công ty đấu giá của bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Vimedimex trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước với số tiền 135 tỉ đồng.
Cựu Chủ tịch Vimedimex bị cáo buộc còn dùng pháp nhân của 3 công ty tham gia đấu giá, thống nhất với các bị cáo khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm và công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của bị cáo Loan.