Cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cùng 12 bị cáo hầu tòa

(PLO)- Trong số 13 bị cáo của vụ án thì có đến 11 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ sở, ngành của tỉnh Đồng Nai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-8, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xử sơ thẩm đối với 13 bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án khu dân cư thương mại Phước Thái, rộng gần 9 ha tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Trong số 13 bị cáo, có 11 người là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các sở, ngành, địa phương của tỉnh Đồng Nai.

Bị cáo Lê Viết Hưng, cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, bị đưa ra xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bồi thường sai đối tượng

Theo cáo trạng, năm 1995, Thủ tướng ký quyết định cho Công ty TNHH Kia - Hoàng Hưng Ceramics (Công ty cổ phần May - Xây dựng Huy Hoàng liên doanh với một công ty đối tác nước ngoài) thuê gần 9 ha đất công tại xã Tam Phước để xây dựng nhà xưởng sản xuất gốm.

Năm 2009, Liên doanh Hoàng Hưng Ceramics không triển khai thực hiện dự án nên UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định thu hồi giấy phép đầu tư. Lúc này, phía công ty liên doanh để cho Công ty Huy Hoàng toàn quyền quyết định sử dụng đất.

Bị cáo Lê Viết Hưng, cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI

Bị cáo Lê Viết Hưng, cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI

Năm 2015, Trương Quốc Tuấn (cựu tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái) nhận chuyển nhượng khu đất này với số tiền hơn 35 tỉ đồng từ Công ty Huy Hoàng. Sau đó, Tuấn đã bàn với Nguyễn Văn Đức (phó chủ tịch UBND xã Tam Phước) hợp thức hóa để em ruột là Nguyễn Hữu Thành đứng tên chủ sở hữu khu đất trên để nhận tiền bồi thường khi giải tỏa làm dự án khu dân cư.

Theo kết luận của cơ quan tố tụng, hành vi trên đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 79 tỉ đồng.

Cựu giám đốc Sở TN&MT cho rằng không có tội

Tại phần xét hỏi, bị cáo Trương Quốc Tuấn cho rằng không gây thiệt hại tài sản của Nhà nước vì đã nộp lại toàn bộ số tiền bồi thường cho Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Còn bị cáo Lê Viết Hưng cho rằng vào năm 2015, Sở TN&MT nhận được văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TN&MT xem xét về thu hồi đất, bồi thường để thực hiện dự án Khu dân cư Phước Thái. Sau đó ông Hưng ký trình UBND tỉnh đề nghị giao cho UBND TP Biên Hòa xem xét để hướng dẫn Nguyễn Hữu Thành lập thủ tục quyền sử dụng đất theo quy định.

“Theo quy định của Luật Đất đai, thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất cho hộ cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Vì vậy, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh giao cho UBND TP Biên Hòa xem xét theo đúng trình tự quy định. Bị cáo khẳng định chỉ thiếu sót trong câu chữ của văn bản và là sự vô ý, không có mục đích cá nhân” - bị cáo Hưng nói.

HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo có thắc mắc gì về cáo trạng mà VKS đã truy tố thì bị cáo Hưng cho rằng thời điểm lập hội đồng bồi thường bị cáo đã nghỉ hưu. “Vì vậy cáo trạng truy tố bị cáo có tội là không có cơ sở” - bị cáo Lê Viết Hưng nói.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo còn lại.

Cuộc gọi “bí mật” của cựu chủ tịch UBND tỉnh

Tại tòa, HĐXX cũng đọc toàn bộ lời khai của bị cáo Nguyễn Tấn Long, cựu phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa, về việc xác nhận ký quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo trình bày của bị cáo, sau khi nhận được văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai về việc xử lý đất của Công ty Huy Hoàng, dựa trên báo cáo của Phòng TN&MT ký văn bản hướng dẫn ông Thành liên hệ qua Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Biên Hòa để làm thủ tục theo quy định.

Cũng tại tòa, bị cáo cựu phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa khai: Năm 2017, tôi đi ăn sáng có gặp ông Nguyễn Tấn Tài nhưng không ngồi cùng bàn. Lúc này, chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái gọi điện thoại hỏi giờ giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh TP Biên Hòa là ai, làm việc như thế nào? Tôi trả lời là ông Tài, làm việc rất tốt. Ông Thái hỏi tôi số điện thoại của ông Tài nhưng thấy ông Tài ở đây nên tôi đã chuyển máy cho ông Thái nói chuyện với ông Tài. Tôi không nghe được nội dung cuộc nói chuyện và cũng không được ông Tài nói lại nội dung cuộc nói chuyện.

Theo cáo trạng, Nguyễn Tấn Tài khai ông Thái đã trực tiếp chỉ đạo Tài thực hiện bồi thường cho Thành. Tuy nhiên, ngoài lời khai của Tài, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh, ông Thái cũng không thừa nhận (ông Thái không phải là bị cáo trong vụ án này - PV).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm