Vì một phút cùng quẫn, một người mẹ ở TP.HCM đã quyết định cho đứa con trong bụng cho người khác nuôi để mong sau này cuộc sống của con mình tươi đẹp hơn. Thế nhưng khi sinh con ra, nuôi nấng một thời gian thì tình mẫu tử thiêng liêng lại trỗi dậy và nỗi khát khao được ở cùng con lớn hơn bao giờ hết.
Người mẹ ruột tìm gặp cha mẹ nuôi của con mình để xin nhận lại. Liệu có được không?
Quyết định sai lầm
Câu chuyện của chị H., một người mẹ đau khổ cho con rồi muốn xin nhận lại được nhiều người biết đến gần đây khi chị đi đến nhiều nơi để nhờ hướng dẫn, giúp đỡ cách nhận lại đứa con ruột của mình.
Lý do dẫn đến quyết định cho con của chị H. bắt đầu từ việc mâu thuẫn với chồng. Đau buồn chuyện tình cảm cộng thêm tiền bạc không có nên chị H. quyết định đi tìm cha mẹ nuôi cho con mình trong lúc đứa con chị chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời.
Thông qua các trang mạng, chị H. đã tìm được người nhận nuôi con và cả hai bên đồng ý việc cho nhận con nuôi. Người đồng ý nhận nuôi con của chị H. rất có trách nhiệm và trợ cấp tiền bạc đầy đủ từ tiền viện phí khi chị sinh con đến tiền hỗ trợ trong khoảng thời gian chị thất nghiệp.
Sinh con xong, chị H. nuôi đứa bé được vài tháng thì chị phải trao con cho cha mẹ nuôi của bé. Thời điểm trao con về ở với cha mẹ nuôi cũng là lúc thủ tục cho nhận con nuôi được hoàn tất.
Con về ở với người khác, chị H. ngày đêm nhớ nhungvà quyết định xin lại con để được tiếp tục nuôi nấng.Thế nhưng cho thì dễ đến lúc xin được nhận lại thì rất khó vì người nhận nuôi không đồng ý trả lại.
Trao đổi với phóng viên, chủ tịch UBND phường nơi chị H. đang cư trú xác nhận: Đúng là trước đây chị H. có cho con cho một cặp vợ chồng ở tỉnh khác nuôi và phường đã thực hiện các thủ tục cho nhận con nuôi. Mới đây chị H. đến phường trình bày nguyện vọng được nhận con trở lại. Tuy nhiên, từ đó đến nay chị H. trình bày miệng với cán bộ phường chứ chưa có đơn hay giấy tờ nào khác.
Cho rồi khó đòi lại
Chị H. vì một phút sai lầm mà không thể ở bên đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Việc xin nhận lại con đã cho người khác pháp luật quy định ra sao và tình huống như thế nào thì người mẹ này được nhận lại con?
TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Đối với trường hợp đã cho con và thủ tục cho nhận con nuôi đã được hoàn tất thì việc đòi lại là rất khó. Theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, mọi trách nhiệm, nghĩa vụ, các quyền hạn giữa cha mẹ nuôi đối với con nuôi giống như con ruột.
Điều này đồng nghĩa với việc cha mẹ đẻ không còn trách nhiệm hay quyền hạn nào đối với đứa con ruột của mình.
Nếu căn cứ vào quy định trên thì rõ ràng chị H. không thể đòi lại con và cha mẹ nuôi có quyền từ chối yêu cầu trả lại cháu bé cho chị.
Tuy nhiên, chỉ khi nào chị H. có căn cứ để chứng minh cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi thì chị mới có quyền kiện ra tòa để đề nghị chấm dứt việc nuôi con nuôi. Sau khi tòa án có bản án chính thức về việc chấm dứt nuôi con nuôi thì chị H. có quyền đòi lại con.
“Trường hợp khác, nếu cha mẹ nuôi có đồng ý cho chị H. nhận lại con thì chỉ nhận về mặt hình thức thôi chứ về mặt pháp lý thì quyền lợi, trách nhiệm vẫn thuộc về cha mẹ nuôi. Bởi tòa án chỉ ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi khi cha, mẹ nuôi có lỗi mà thôi. Vì thế, tôi khuyên bất cứ cha mẹ nào khi quyết định cho con người khác nên cân nhắc thật kỹ để tránh những câu chuyện đau lòng như thế này” - TS Tiến lưu ý.
Đau lòng những cảnh đòi lại con ruột đã cho - Vợ chồng anh T. và chị M. lấy nhau hơn 10 năm nhưng không có con. Qua người quen giới thiệu, vợ chồng chị M. đã nhận một bé hai tuổi làm con nuôi. Lúc nhận nuôi, vợ chồng chị có gặp cha mẹ ruột của bé để thỏa thuận và cùng nhau đến phường thực hiện thủ tục nhận con nuôi. Nuôi bé được bốn tuổi thì cha mẹ ruột tìm đến nhà xin nhận lại con vì họ cho rằng hoàn cảnh trước đây nghèo và giờ đã khá hơn nên muốn con về ở với ba mẹ ruột. Tuy nhiên, do nuôi bé lâu ngày mến tay mến chân nên vợ chồng chị M. kiên quyết không trả lại đứa bé. - Một hoàn cảnh khác, cuối năm 2017, A. (ngụ thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) phát hiện mình có bầu với bạn trai. Biết chuyện, người bạn trai “quất ngựa truy phong”. Tháng 9-2018, chị A. sinh con, lúc đó chị A. bàn với bố mẹ sẽ cho đứa bé để không phải nhìn con mà nhớ đến người cha phụ bạc. Sau khi sinh con được hai ngày, với sự kết nối của bệnh viện, chị A. đã cho đứa bé cho một cặp vợ chồng. Một thời gian sau, chị A. nhớ con vô cùng và hối hận về việc mình đã làm. Chị gọi điện thoại cho gia đình kia với mong muốn xin lại con nhưng họ không đồng ý vì nuôi đứa bé lâu nên có tình cảm. |