Đã có ngân hàng tăng 1,7% lãi suất tiền gửi tiết kiệm

(PLO)- Các chuyên gia tài chính cho rằng, dư địa để các ngân hàng nâng lãi suất huy động lên cao hơn nữa không nhiều.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khảo sát mới nhất của PLO thực hiện ngày hôm nay (7-5) cho thấy, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động tiền gửi ngân hàng.

Ít nhất 16 ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn trong tháng 4-2024 và đầu tháng 5-2024.

Nổi bật nhất là LPBank với việc lãi suất các khoản tiền gửi dưới 12 tháng được điều chỉnh tăng thêm cao nhất đến 1,7%.

Cụ thể, các khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn dưới 12 tháng được LPBank điều chỉnh mạnh từ 0,7% đến 1,7%. Đơn cử với khoản tiền gửi thời hạn 11 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất cao nhất LPBank đang chào lên đến 4,9%/năm, trong khi trước đó là 3,2%/năm.

Còn với các khoản tiền gửi online, mức điều chỉnh dao động 0,2% đến 0,9%, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống.

Đặc biệt, đối với các khách hàng có số dư tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên, gửi mới/tái tục kỳ hạn, có lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ là 6,5%/năm, lãi suất nếu lĩnh lãi đầu kỳ là 6,0%/năm.

Hàng loạt ngân hàng khác bao gồm Sacombank, TPBank, VIB, BVBank, Shinhan Bank, GPBank, BacABank cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% tới 0,5%. Không chỉ vậy, cũng có ngân hàng vừa điều chỉnh tăng vừa điều chỉnh giảm lãi suất, tùy vào từng kỳ hạn, như tại Oceanbank.

OceanBank hiện đang chào mức lãi suất cao nhất thị trường với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng là trên 6%/năm.

Thống kê lãi suất huy động
Thống kê lãi suất huy động các kỳ hạn của một số ngân hàng - Nguồn: CafeF

Không chỉ nâng lãi suất, có ngân hàng còn hứa hẹn có quà tặng tiền mặt và hiện vật cho khách gửi số tiền lớn, kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Đợt tăng lãi suất tiết kiệm lần này ghi nhận tại các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, nhóm ngân hàng quốc doanh như BIDV hay Vietcombank cũng nâng nhẹ lãi suất tiền gửi 12 tháng so với thời gian trước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng đồng loạt sau hơn một năm đi xuống liên tục.

Tuy nhiên, chuyên gia công ty chứng khoán cho rằng, dư địa để các ngân hàng nâng lãi suất huy động lên cao hơn nữa không nhiều. Các ngân hàng thường phải duy trì mức biên lợi nhuận từ 1,5-2%. Thời gian qua, lãi suất cho vay ra có tài sản đảm bảo rơi vào khoảng 8-10%, vậy thì lãi suất huy động cao nhất chỉ trong khoảng 6 -7%, theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm KHCN, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Đối với lãi suất tín dụng, ông Minh dự báo việc nâng lãi suất cho vay rồi sẽ xảy ra, nhiều khả năng ở 6 tháng cuối năm, còn trong ngắn hạn, khả năng này là thấp. Bởi hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm, chưa đạt kế hoạch của các ngân hàng.

"Như vậy, trước mắt, các ngân hàng vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tức là chấp nhận biên lợi nhuận (NIM) thấp. Khi tăng trưởng tín dụng đạt mức mục tiêu, lúc đó họ mới bắt đầu nâng lãi suất. Dù vậy, khả năng mức tăng cũng khá thấp", giám đốc nghiên cứu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm