Tôi có một chị bạn, cách đây hai tuần, đi chợ, thấy có bán cá trê màu vàng nhìn bắt mắt. Hỏi giá, giá khá cao, 95.000 đồng cho hơn nửa ký cá chỉ với sáu con cá nhỏ. Chị khá băn khoăn nhưng cũng chỉ dám hỏi người bán là lấy cá này ở đâu. “Ở chợ Bình Điền”. Vẫn còn băn khoăn lắm nhưng chị quyết định mua.
Về nhà, chị làm sạch ngoài da, thấy cá chuyển sang màu trắng. Cắt khúc cá thấy thịt màu vàng. Chị chụp ảnh, đưa lên Facebook, kể câu chuyện, tiếc công làm cá và “Quá ớn!”.
Một vài bạn bè vào bình luận nỗi lo về việc mất an toàn thực phẩm.
Hoang mang kéo dài cho đến khi một người bạn bình luận trên Facebook của chị rằng người này từng câu cá trê sông có da màu vàng và khi chà sạch nhớt da thì da hết vàng. Một người khác khẳng định phần thịt màu vàng vậy là đúng rồi, cứ yên tâm mà ăn đi. Một người cũng cảm thán “sao nghi ngờ dữ vậy? Thịt trắng là cá trê trắng, thịt vàng là cá trê vàng, cá trê vàng nhỏ hơn và mắc tiền hơn”.
Tìm kiếm trên Google vẫn có thể đọc được thông tin một anh tên Gia Bảo ở Ninh Kiều, Cần Thơ rao bán thuốc tạo màu đẹp cho lươn, cá trê vàng. Như vậy nỗi lo của chị bạn tôi có căn cứ. Những hoang mang của người dân là có căn cứ chứ không phải không.
Một lời rao bán thuốc nhuộm đăng hồi tháng 2 mới đây có thể không làm điêu đứng cả một vụ thu hoạch cá, tôm vào tháng tới. Thông tin về một bình hóa chất làm chín một loại trái cây cũng chưa thể làm giảm các sạp, các xe trái cây ngay lập tức. Hết năm này qua năm khác, một lời rao, một bình hóa chất nay đã thành trăm, thành ngàn, thành triệu. Nó đầu độc vào lòng tin. Người ta mang tiền và mang cả sự hoang mang ra chợ. Đi chợ về, tiền thì vơi mà hoang mang thì càng đầy.
Còn nhớ, năm 2013 rộ lên thông tin tranh thêu Trung Quốc có chỉ chứa chất nhuộm và formaldehyde gây ung thư. Trong lúc hoang mang đó, một cửa hàng tranh thêu ở quận 3 kịp thời đưa mẫu vải, mẫu chỉ đi kiểm nghiệm các chất trên. Cửa hàng này trưng kết quả kiểm nghiệm hàm lượng trong ngưỡng an toàn cho phép. Vẫn biết rằng kết quả kiểm nghiệm chỉ có giá trị trên một mẫu kiểm nghiệm nhưng dù sao thông tin đó cũng giúp cửa hàng này vượt qua khủng hoảng truyền thông về “ung thư” trong giai đoạn đó.
Không có thông tin, không có minh bạch thì không thể khẳng định được thật hay thau, nên ăn hay không nên ăn. Một khi vẫn còn người bán miếng thịt, con cá, bó rau, sản phẩm bất kỳ mà không nói rõ được tên tuổi, địa chỉ của nguồn gốc sản xuất, chế biến, phân phối thì không làm sao phân định vàng - thau.
Chuyện cá chết ở Bắc Trung Bộ cũng khiến người tiêu dùng ở TP.HCM lo lắng. Lo lắng càng tăng khi có thông tin bắt được một xe vận chuyển cá đục chết về TP.HCM.
Nhiều người ở TP.HCM tránh ăn cá biển những ngày này. Họ không thể biết và có thể là cũng không tin, rằng những con cá biển ngoài chợ là cá mua từ đâu, có phải từ Bắc Trung Bộ hay không.
Chúng ta không thể thuyết phục được người mua về nguồn gốc, xuất xứ của con cá. Muốn người ta tin, chỉ có cách làm theo quy chuẩn, đúng quy trình để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.
Mỗi khi nói đến truy xuất nguồn gốc hay các tiêu chuẩn bắt buộc trong kinh doanh thực phẩm thì vấp phải không ít ý kiến than khó từ người bán, từ doanh nghiệp.
Đã đến lúc dù khó cũng phải có. Nhất là sau vụ cá chết tháng 4 này.