Bóng ma tiêu cực lởn vởn khiến cho ban tổ chức lo ngại và siết chặt an ninh ở khách sạn bốn sao Days - địa điểm đóng quân của 11 đội bóng lẫn tổ chức bảo vệ cầu thủ nghiêm ngặt hơn.
U-23 Việt Nam cũng không là ngoại lệ dù ở cuộc chơi Đông Nam Á nào vẫn luôn có nhân viên an ninh theo sát 24/24.
Ngoài lệnh giới nghiêm lúc 22 giờ, lãnh đội U-23 Việt Nam còn ra một số quy định cấm cầu thủ gặp gỡ người lạ hoặc không sử dụng điện thoại trước trận đấu một ngày. Các phương án ngăn ngừa ấy rất cần thiết trong bối cảnh nhiễu nhương ở SEA Games khi lòng tham và nguy cơ nhúng chàm không chừa một ai.
Nhớ hồi cuối năm ngoái, không phải tự nhiên mà Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đòi cơ quan an ninh vào cuộc điều tra nghi ngờ cầu thủ Việt Nam có vấn đề trong trận bán kết lượt về AFF Cup thua ngược Malaysia 2-4 trên sân Mỹ Đình.
Bóng đá Việt Nam từng bị “mất” rất nhiều trong những hoàn cảnh khó lường nhất nên việc “ngờ” tiêu cực là không thừa, đặc biệt ở cuộc gặp gỡ có tính chất quyết định với U-23 Malaysia. Người ta không loại trừ cả khả năng bị vạ lây từ phía đối thủ có thể có những toan tính không vì yếu tố chuyên môn để phục vụ cho những thế lực còn đứng trong bóng tối.
Bóng đá SEA Games dưới bóng ma tiêu cực dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều đội bóng nhưng dù sao phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.
CÔNG TUẤN