Đã khởi tố sai thì phải bồi thường

Những bất ổn pháp lý trong vụ “Không bồi thường oan vì khởi tố chưa chính thức” (Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh ngày 17-2) lại lần nữa được xới lên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào ngày 29-4, ông Nguyễn Công Pha, Viện phó VKSND tỉnh Long An, cho biết: “VKS tỉnh đồng ý với nội dung trả lời của Công an huyện Tân Thạnh”.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, công an huyện đã có văn bản trả lời khiếu nại anh Lê Văn Lực (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, Long An) như sau: Các quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú (đều có số, ngày, tháng, có chữ ký, đóng dấu) của cơ quan CSĐT công an huyện mà anh Lực có được vào cuối năm 2012 chưa được VKS huyện phê chuẩn, không có biên bản tống đạt. Còn theo ý kiến của đại diện công an tỉnh khi trả lời PV Pháp Luật TP.HCM tại cuộc họp báo về vụ việc vào ngày 22-4 thì: Sở dĩ anh Lực có các văn bản này là do trong quá trình làm việc, điều tra viên có ra ngoài nghe điện thoại nên anh Lực đã… lén lấy và điều tra viên cũng không hay biết (!).

Trách nhiệm thuộc về CQĐT

Khi tiếp nhận thông tin này, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú là có thật, chứng tỏ cơ quan tiến hành tố tụng đang thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự đối với anh Lực.

Về nguyên tắc, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, CQĐT sẽ xác minh làm rõ, khi có căn cứ thì ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giữ, tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú… Toàn bộ hồ sơ vụ án phải được chuyển sang VKS cùng cấp để nơi đây xem xét, phê chuẩn các quyết định.

Ở trường hợp của anh Lực, nếu hồ sơ vụ án chưa được chuyển đến VKS để phê chuẩn thì việc CQĐT đưa quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho anh Lực là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự. Do đã làm sai, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, danh dự, uy tín của anh Lực nên CQĐT phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho anh Lực.

Không chấp nhận lý do “lén lấy văn bản”

Cũng theo các chuyên gia, lý do đương sự “lén lấy văn bản” mà công an huyện đã nêu ra là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ hồ sơ hình sự là văn bản tuyệt mật, CQĐT có trách nhiệm bảo quản. Việc để lọt văn bản tố tụng ra ngoài là lỗi của CQĐT nên không cần quan tâm người dân bằng cách nào có được văn bản (tức có được tống đạt hay chỉ giao mà không ký nhận) thì trách nhiệm vẫn thuộc về CQĐT. Chưa kể đương sự có đoạn băng ghi âm chứng minh đã được giao hai văn bản này.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Với việc có trong tay quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú có dấu đỏ, anh Lực có thể hiểu là mình đã trở thành bị can từ khi được điều tra viên giao quyết định. Bốn tháng sau anh được mời đến ký nhận quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì có nghĩa là giai đoạn trước công an đã làm sai.

Cũng đồng tình với việc CQĐT đã xử lý sai thì CQĐT phải có trách nhiệm bồi thường, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Về nguyên tắc, tài liệu của cơ quan tố tụng quản lý thì làm sao người dân có thể tự lấy được. Việc đổ lỗi anh Lực tự ý lấy văn bản là không có căn cứ. Còn biên bản tống đạt quyết định này do cơ quan chức năng lưu trữ trong hồ sơ, người dân không cần biết có hay không biên bản giao nhận các loại quyết định này. Ví dụ, khi nhận bản án, quyết định thi hành án, cáo trạng… thì người dân cũng không được giao biên bản của việc giao nhận.

Cần có quyết định đình chỉ điều tra

ThS Nguyễn Trương Tín, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, lưu ý: Anh Lực thuộc trường hợp được bồi thường theo Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Khoản 2 Điều 30 luật này quy định: “CQĐT có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp “Đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng VKS có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội””.

Cũng theo ThS Tín, việc VKS có hay không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can không làm ảnh hưởng đến vấn đề bồi thường cho người bị oan. Anh Lực có thể khiếu nại để CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra theo đúng quy định của BLTTHS. Từ đó anh Lực có cơ sở yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

PHƯƠNG LOAN - HOÀNG NAM

 

Chiều tối 10-9-2012, anh Lê Văn Lực (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, Long An) và ông Phạm Văn Có cùng nhậu tại nhà anh Lực. Do ông Có không chịu nhậu nữa mà nằm võng nên anh Lực đùa giỡn bằng cách chặt võng làm ông Có rơi từ võng xuống bộ ván. Sau đó ông Có đi về nhà làm việc, đi chơi và uống rượu bình thường, đến chín ngày sau thì bị đau bụng và qua đời.

Sau khi ông Có chết, CQĐT mời anh lên làm việc nhiều lần, đưa quyết định khởi tố bị can về hành vi vô ý làm chết người và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bốn tháng sau anh Lực được yêu cầu ký nhận quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Anh khiếu nại thì được trả lời: “Thủ tục khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú chỉ là thủ tục ban đầu, không có sự phê chuẩn của VKS, cơ quan CSĐT chưa ban hành văn bản này, đồng thời không có tống đạt đối với Lê Văn Lực, do đó không có giá trị pháp lý”.

Khốn khổ vì bị khởi tố

Tôi khẳng định các quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mà tôi có được là do điều tra viên tên Lai giao cho. Tại lần giao các quyết định này, tôi có ghi âm lại cuộc trò chuyện để làm bằng chứng. Do đó việc công an huyện cho rằng tôi lén lấy các văn bản này là không chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của tôi. Điều đáng nói hơn nữa là kể từ lúc xảy ra vụ việc đến nay đã hơn một năm, tôi mang tiếng là kẻ giết người, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại để được giải quyết quyền lợi.

Anh LÊ VĂN LỰC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm