Theo đó, về phân khúc đất nền trong Quý 3/2022, có khoảng 13 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 998 nền, giảm 17.2% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới ở mức trung bình, đạt khoảng 586 nền (chiếm tỷ lệ 59%), tăng khoảng 92.1% so với Quý 2/2022. Đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất kể từ thời điểm đầu năm.
Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với giai đoạn mở bán trước đó. Thị trường thứ cấp khá trầm lắng, mặt bằng giá bán ghi nhận giảm đáng kể so với quý trước.
|
Thị trường bất động sản ở Đà Nẵng và vùng phụ cận đang khá trầm lắng. Ảnh: BT. |
Ở phân khúc căn hộ, trong Quý 3/2022 có 3 dự án mở bán, tập trung toàn bộ tại Đà Nẵng, cung cấp ra thị trường khoảng 91 căn, giảm 64.5% so với quý trước.
Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ đạt 47% (khoảng 43 căn), giảm 60.6% so với quý trước. Sức cầu chung thị trường sơ cấp và thứ cấp cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2021 (thời điểm giãn cách toàn xã hội), tuy nhiên vẫn ở mức thấp.
Căn hộ hạng A giữ vị trí chủ đạo khi chiếm 89.0% tổng nguồn cung và 66.0% lượng tiêu thụ toàn thành phố. Giá bán sơ cấp bình quân tăng 10% - 16% so với đầu năm do áp lực của chi phí nguyên vật liệu, lạm phát, lãi suất tăng, đẩy mạnh kiểm soát tín dụng và phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản.
Ở phân khúc nhà phố - biệt thự ghi nhận 7 dự án mở bán trong Quý 3/2022, cung cấp ra thị trường khoảng 374 căn, giảm 36.8% so với Quý 2/2022. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng, chiếm 48.1% tổng nguồn cung toàn thị trường. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 47% tương đương 177 căn, giảm 62.7% so với quý trước.
Nhìn chung, mặt bằng giá bán sơ cấp tăng từ 1% - 6% giữa các giai đoạn mở bán (mỗi giai đoạn cách nhau 3 - 6 tháng). Nguyên nhân tăng giá chủ yếu đến từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát, lãi suất tăng.
Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận sự gia tăng về nguồn cung ở phân khúc condotel, nhưng vẫn còn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước năm 2019. Hầu hết phân khúc còn lại tiếp tục duy trì sự khan hiếm.
Cụ thể: ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường không ghi nhận nguồn cung mở bán mới. Hầu hết nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho đã được mở bán trong những năm trước. Ảnh hưởng từ động thái kiểm soát tín dụng và những khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô làm cho lượng tiêu thụ giảm mạnh, thanh khoản thị trường chậm lại, cá biệt ở một số dự án gần như không phát sinh giao dịch.
Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, trong hai quý liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới. Nguồn cung khan hiếm dẫn đến hoạt động giao dịch trên thị trường gần như trầm lắng. Tại Quảng Nam, một số chủ đầu tư đang có ý định tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng với các dự án quy mô lớn. Dự báo trong những tháng cuối năm 2022, nguồn cung sẽ tiếp tục duy trì sự khan hiếm.
Phân khúc condotel trong Quý 3/2022, ghi nhận 348 căn condotel mở bán đến từ 2 dự án. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 81% (281 căn), sức cầu thị trường tăng nhưng không đáng kể, chủ yếu phân bổ ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Riêng Thừa Thiên Huế tiếp tục không ghi nhận phát sinh giao dịch.