Đà Nẵng kiên định 'lấy người dân làm trung tâm' trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

(PLO)- Đà Nẵng xác định người dân là trung tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-11, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) - thực trạng và những vấn đề đặt ra.

đà nẵng nhà nước pháp quyền xhcn
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu khai mạc. Ảnh: TT

Bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 29/2023.

Chương trình hành động đã nêu bật nhiều vấn đề, trong đó đề ra tám nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2022 của Trung ương “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Theo Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Chánh, qua sáu tháng thực hiện, TP đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Nổi bật là việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là điểm sáng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN tại Đà Nẵng.

Giai đoạn 2013-2023, các đơn vị tại Đà Nẵng đã tiếp hơn 11.000 lượt công dân, xử lý hơn 14.000 đơn thư.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã tiếp công dân 21 trường hợp; đối thoại trực tiếp với một công dân, chuyển 22 đơn xử lý theo thẩm quyền.

Ông Võ Công Chánh cho hay, từ năm 2016 đến nay, hai cấp tòa ở TP Đà Nẵng hoạt động hiệu quả. Tỉ lệ giải quyết, xét xử bình quân hàng năm đạt trên 95%.

Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Qua đó đã tổ chức các phiên họp định kỳ hàng tháng, hàng quý.

da nang nha nuoc phap quyen xhcn.jpg
Hội thảo do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: TT

Tuy nhiên theo ông Chánh, đội ngũ làm công tác pháp chế tại Đà Nẵng chưa đáp ứng được yêu cầu theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong phạm vi ngành.

Có tình trạng cán bộ, công chức viên chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc. Tỉ lệ án sai phải hủy, sửa vẫn còn cao.

Sự công bằng là huyết mạch

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho rằng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, công tác tiếp xúc cử tri là hoạt động mang tính dân chủ cao. Tại đây, cử tri có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong mọi lĩnh vực đời sống đến các cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Thắng, để nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, các cơ quan, đơn vị cần công khai và tăng cường giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Bởi trong công tác phối hợp, một số cơ quan chức năng của Đà Nẵng chưa thật sự chủ động, dẫn đến việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm.

Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng, Luật Tố cáo hiện nay mới chỉ quy định về bảo vệ người tố cáo đảng viên, cán bộ, công chức viên chức tham nhũng tiêu cực.

Hiện chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể rằng người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin có thuộc trường hợp được Luật Tố cáo bảo vệ hay không. Do đó, việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp này khi bị trả thù, trù dập còn nhiều lúng túng.

đà nẵng nhà nước pháp quyền xhcn
Đề xuất tăng thêm đại biểu chuyên trách cho HĐND TP Đà Nẵng. Ảnh: TV

Bà Trương Thị Điệp, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị TP Đà Nẵng) nhìn nhận, “Đà Nẵng tình người”, “được lòng dân”, “đồng thuận xã hội” vốn là thương hiệu của Đà Nẵng.

“Đà Nẵng phải kiên định triết lý lấy người dân làm trung tâm. Sự công bằng chính là huyết mạch của Nhà nước pháp quyền XHCN, là mong đợi của người dân và là yếu tố quan trọng của tiến bộ xã hội”, bà Điệp nói.

Do đó, Đà Nẵng phải công bằng trong hoạch định chính sách phát triển và thực thi chính sách, để người dân cảm nhận được sự công bằng.

Cần tăng đại biểu chuyên trách cho HĐND TP Đà Nẵng

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng Lương Công Tuấn cho hay, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát đối với UBND quận, phường còn nhiều hạn chế, khó khăn.

“Để nâng cao hoạt động giám sát đối với UBND quận, phường thì Trung ương cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho HĐND TP Đà Nẵng. Đồng thời, thường xuyên đổi mới hoạt động giám sát của HĐND TP cả về nội dung và hình thức, đúng trọng tâm, trọng điểm”, ông Tuấn đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm