Đà Nẵng phấn đấu là thành phố chuyển đổi số điển hình

(PLO)- Năm 2023, Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số giao nhiệm vụ trọng tâm cho TP Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình TP chuyển đổi số điển hình.

Chiều 26-5, TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chuyển đổi số (CĐS) với chủ đề “Dữ liệu số - Thách thức và định hướng”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết thông tin, năm 2023, Ủy ban Quốc gia CĐS giao nhiệm vụ trọng tâm cho Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình TP CĐS điển hình.

Hội thảo chuyển đổi số tại Đà Nẵng với chủ đề “Dữ liệu số - Thách thức và định hướng”. Ảnh: TẤN VIỆT

Ngành công nghệ thông tin tăng trưởng cao

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, những năm qua, công cuộc CĐS trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng được chú trọng đầu tư, hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành.

Đà Nẵng triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Triết cho hay, CĐS đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như quá trình phục hồi, phát triển kinh tế Đà Nẵng. Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP Đà Nẵng.

Tỉ lệ ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Triết, xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân. Điều này góp phần đưa Đà Nẵng hai năm liên tiếp xếp hạng nhất Chỉ số đánh giá CĐS cấp tỉnh, ba năm liên tiếp đạt Giải thưởng CĐS Việt Nam ở hạng mục “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc” và ba năm liên tiếp đạt Giải thưởng TP thông minh Việt Nam.

Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra, công tác triển khai CĐS trên địa bàn Đà Nẵng vẫn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực...

“Dữ liệu số hiện nay của TP còn rời rạc, chưa đảm bảo độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp, việc chia sẽ dữ liệu còn hạn chế”, ông Triết cho hay.

Ba trụ cột trong chuyển đổi số của Đà Nẵng

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cho hay, chủ đề CĐS của Đà Nẵng năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. TP đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện thành công chủ đề này, nhưng còn nhiều vướng mắc.

Theo ông Thạch, cơ chế chính sách, khung pháp lý chưa thay đổi kịp đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai CĐS. Các hệ thống thông tin khi kết nối, chia sẻ dữ liệu cần đảm bảo nguyên tắc đồng đẳng, không phải nguyên tắc thứ bậc, áp đặt nhằm đảm bảo ổn định hệ thống của địa phương, tạo nguồn lực phát triển.

Công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Bên cạnh đó, việc xây dựng TP thông minh hiệu quả cần triển khai một số mô hình mới. Tuy nhiên các mô hình này chưa có quy định cụ thể.

“Cách tiếp cận bảo đảm an toàn thông tin “phi truyền thống” chưa được triển khai tại các địa phương, chưa có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương. Nhiều lỗ hổng bảo mật liên quan đến các hệ thống của địa phương được giao dịch trên thị trường nhưng địa phương chưa có khả năng tiếp cận, chưa có chuyên gia, lực lượng để thực hiện”, ông Thạch nói.

Ngoài ra, nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan chính quyền Đà Nẵng mỏng, chưa đảm bảo năng lực trong tham mưu, triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh.

“Tình trạng cán bộ CNTT trong cơ quan nhà nước thôi việc có xu hướng tăng cao. Việc thu hút, tuyển dụng nhân lực CNTT vào khu vực công ngày càng khó khăn do cạnh tranh so với khu vực tư nhân”, ông Thạch cho hay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CĐS quốc gia cho hay, nhiệm vụ của Đà Nẵng năm 2023 là Tổ chức triển khai mô hình TP CĐS điển hình.

Do đó, Đà Nẵng cần thực hiện CĐS tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các quận huyện, phường xã trên địa bàn là: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

Về dữ liệu số, ông Tiến gợi mở Đà Nẵng cần triển khai để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

“Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp”, ông Tiến cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới