Thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhiều trang tin điện tử tổng hợp (TTĐTTH) thường xuyên sao chép tin bài của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Việc làm này đã gây bức xúc dư luận và người làm báo.
Riêng báo Pháp Luật TP.HCM (plo.vn) cũng liên tục bị các trang tin trên lấy cắp thông tin trái phép, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của báo.
Bản tin của báo Thanh Niên bị trang broadnewz.com lấy đăng lại. Ảnh chụp màn hình
Trao đổi với PLO, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng Nguyễn Thu Phương cho hay cơ quan này thường xuyên rà quét các trang TTĐTTH và phát hiện nhiều trang chưa được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật.
Một số trang TTĐTTH có các thông tin liên quan đến TP Đà Nẵng với nhiều thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.
Theo bà Phương, trong trường hợp các trang TTĐTTH đăng ký tên miền tại Việt Nam, đơn vị chủ động thu thập, xác định thông tin hoặc đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam hỗ trợ cung cấp thông tin.
Nếu chủ sở hữu trang TTĐTTH ở tại Đà Nẵng, Sở TT&TT mời chủ sở hữu làm việc và xử lý theo quy định. Nếu ở các tỉnh, TP khác, Sở TT&TT có công văn gửi Sở TT&TT các tỉnh, TP này phối hợp xử lý.
Từ năm 2016 đến nay, Sở TT&TT Đà Nẵng cấp khoảng 36 giấy phép trang TTĐTTH của các cơ quan, đơn vị. Một số trang TTĐTTH do sở cấp phép trước đây và hiện nay đã hết hạn giấy phép, Sở TT&TT Đà Nẵng đã có công văn hướng dẫn và đề nghị đăng ký cấp Giấy phép thiết lập trang TTĐTTH để hoạt động theo quy định pháp luật. |
Bà Phương cho hay, trường hợp trang TTĐTTH đăng ký tại nước ngoài và có đăng tải thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Sở TT&TT chỉ đạo ngăn chặn truy cập trong hệ thống mạng MAN của TP.
Đồng thời, Sở TT&TT Đà Nẵng cũng triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin hệ thống, liên hệ Mạng lưới Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Quốc gia, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp xử lý.
Sở TT&TT Đà Nẵng cũng từng có công văn gửi Cục An toàn thông tin về việc hỗ trợ xử lý website https://tintucxahoi24h.org.
Bà Phương đề nghị các cơ quan báo chí tố cáo hành vi nêu trên bằng cách gửi văn bản (kèm các chứng cứ, hình ảnh, đường dẫn…) về Sở TT&TT để xử lý theo Luật Báo chí, Nghị định 15/2020.
Ngày 23-9, Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã có Công văn 2794 gửi các báo đề nghị báo cáo các trang mạng xã hội, trang tin lấy tin bài trái phép xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Không khó để xử lý Luật sư (LS) Nguyễn Văn Tứ (Đoàn LS TP Đà Nẵng) cho hay, hành vi cố ý sao chép, phân phối tác phẩm báo chí trên trang TTĐTTH (không phải là tin tức thời sự thuần túy) của các các nhân, tổ chức nhằm mục đích lợi nhuận nhưng không được sự cho phép là vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009. Tùy mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 15 đến 35 triệu đồng theo điều 18 Nghị định 131/2013. Căn cứ mức độ thiệt hại thực tế, tổ chức cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nghiêm trọng hơn, hành vi này có thể bị xử lý hình sự đối với tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015. |