Đây là những trường hợp trong hợp đồng ghi nợ 10 năm quy theo giá vàng 98% đã quá hạn nợ năm năm nhưng chưa ký phụ lục hợp đồng chuyển sang nợ bằng tiền.
Theo ông Miên, UBND TP thống nhất cho phép người dân lựa chọn hai phương án.
Phương án 1, thực hiện trả nợ theo hợp đồng và trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng nhân với đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ (nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơn số tiền nợ gốc).
Phương án 2, trả nợ theo giá đất quy định hiện hành.
Nhiều hộ dân vẫn còn nợ tiền sử dụng đất của TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Riêng đối với các trường hợp nợ quá hạn là hộ phụ, hộ không thuộc diện giải tỏa trong khi chờ chính sách thu nợ chung của TP, các hộ có nguyện vọng nộp tiền SDĐ để cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ thì đồng ý cho Trung tâm Phát triển quỹ đất căn cứ bảng giá đất hiện hành, nhân thêm hệ số để thu tiền SDĐ.
Cụ thể: đối với hộ phụ giải tỏa trả nợ theo giá đất quy định hiện hành nhân hệ số 1,2; đối với hộ không giải tỏa thì trả nợ theo giá đất quy định hiện hành nhân hệ số 1,4. Ngoài ra, trường hợp số tiền trả nợ thấp hơn số nợ cũ trước đây (gốc + lãi nếu có) Sở TN&MT trình TP từng trường hợp cụ thể.
Với trường hợp chưa làm thủ tục dưới năm năm kể từ ngày cấp phiếu phân lô thực hiện thu theo đúng đơn giá đất cũ, thời hạn làm thủ tục và nộp tiền SDĐ cho trường hợp này đến hết ngày 31-12-2016, kể từ ngày 1-1-2017 thực hiện thu theo đơn giá đất hiện hành.
Với trường hợp chưa làm thủ tục quá năm năm kể từ ngày cấp phiếu phân lô thực hiện thu theo đơn giá đất quy định hiện hành.
Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giao trách nhiệm cho các UBND các quận, huyện, phường, xã họp dân để phổ biến đến từng hộ. Cục thuế, Ban Tiếp công dân, Sở TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất… thực hiện niêm yết công khai cho người dân được biết.