Phiên thảo luận chung tại hội trường HĐND TP Đà Nẵng sáng 10-7 ghi nhận nhiều ý kiến lo lắng về dịch vụ cầm đồ và trò chơi điện tử có thưởng (chủ yếu là game bắn cá) biến tướng cờ bạc, tín dụng đen.
ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh lo lắng về dịch vụ cầm đồ và game bắn cá biến tướng cờ bạc. Ảnh: TẤN VIỆT
Lợi nhuận rất cao nhưng đóng góp ngân sách ít
Đại biểu (ĐB) Lê Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, cho hay game bắn cá và dịch vụ cầm đồ tiềm ẩn nguy hại về an ninh trật tự, gây bức xúc và lo lắng trong nhân dân.
“Game bắn cá là để đánh bạc trá hình. Dịch vụ cầm đồ thì người cầm đồ có nguy cơ mất tài sản rất cao vì phải chịu lãi rất cao và các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được lãi suất này”.
Phân tích thêm, ĐB Hạnh cho hay có tình trạng các dịch vụ cầm đồ là chỗ tiêu thụ đồ gian cho những kẻ cắp, cướp giật tài sản, đồng thời là chỗ để núp bóng tín dụng đen.
“Các cửa hàng này sử dụng lực lượng xã hội đen để bảo kê và giải quyết mọi bất đồng. Lợi nhuận của các loại hình kinh doanh này rất là cao, có thể nói là siêu cao. Tuy nhiên đóng góp của nó vào vấn đề phát triển kinh tế xã hội của TP thì không cao”, ĐB Hạnh nói.
Theo ĐB Hạnh, sự quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện này còn nhiều hạn chế và thiếu sự kiểm tra, giám sát bằng thực tiễn. Bản thân các quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập. Sự chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở cầm đồ cũng như game bắn cá có thể nói là có sự cố ý trong việc vi phạm, thực hiện không nghiêm các quy định của pháp luật.
“Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, đặc biệt là xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm, nếu đủ cơ sở thì đề nghị TP chỉ đạo nghiêm trong việc rút giấy phép hoạt động”, ĐB Hạnh nhấn mạnh.
Băn khoăn khi ngừng cấp phép dịch vụ cầm đồ
ĐB Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đề nghị TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân có thể tiếp cận các nguồn vốn vay một cách thuận lợi và phải hiểu được các nguồn vốn vay này, tránh bị tín dụng đen lợi dụng.
“Trước thực trạng phức tạp ở các dịch vụ cầm đồ, đề nghị HĐND TP tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 năm 2011 về việc tạm ngừng cấp phép đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn TP”, ĐB Hải nói.
ĐB Lê Thanh Hải đề nghị Đà Nẵng tiếp tục ngừng cấp phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn TP. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo tìm hiểu của PLO, Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 của HĐND TP Đà Nẵng có quy định: Tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Ngày 19-3-2015, UBND TP ra Quyết định 1535/QĐ-UBND trên cơ sở ý kiến kết luận của Thường trực HĐND TP về việc cấp mới đối vối loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tại Điều 6, Quyết định số 1535 trên có nêu: Trách nhiệm của Sở KH&ĐT: Không tiến hành cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ...
Tuy nhiên trong một báo cáo liên quan gửi kỳ họp HĐND TP đang diễn ra, UBND TP cho hay tại khoản 1, Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về quyền của doanh nghiệp “Tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm”.
Báo cáo cũng nêu tại khoản 4, Điều 5 Nghị định số 78/2015 về Đăng ký doanh nghiệp quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình”.
“Do vậy, kính đề nghị HĐND TP cho ý kiến về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để UBND TP xem xét, sửa đổi Quyết định số 1535/QĐ-UBND nói trên phù hợp với Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ”, báo cáo nêu.
Tại một báo cáo của UBND TP Đà Nẵng gửi kỳ họp HĐND TP đang diễn ra, UBND TP cho hay trên địa bàn TP có 237 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Đồng thời qua rà soát, toàn TP hiện có 194 cơ sở, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng với 752 máy trò chơi điện tử hoạt động. Trong đó, 144/194 cơ sở có giấy phép kinh doanh (chiếm 74,2%). Số cơ sở do các doanh nghiệp làm chủ chiếm 53,6%, số cơ sở do hộ gia đình làm chủ chiếm 46,4%. |